Đại Kỷ Nguyên

Hàng tiêu dùng đội giá 30-50%, doanh nghiệp bán lẻ ‘ăn dày’, dân chịu thiệt

Việc hàng hóa Việt khi đưa vào siêu thị bị đội giá cao không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn tạo cơ hội cho hàng ngoại tràn vào, gây bất lợi cho hàng nội. Trong khi đó, người sản xuất ra sản phẩm chỉ được hưởng phần lợi nhỏ.  

Tờ Lao động dẫn lời ông Vũ Vinh Phú – nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho biết hệ thống bán lẻ Việt Nam có quá nhiều “góc khuất”, đến nỗi 1 món hàng sản xuất ra khi đến tay người tiêu dùng bị “đội giá” tới 30%, thậm chí 50%.

Một số góc khuất có thể kể đến là tình trạng “né” thuế giá trị gia tăng, những chi phí tạo nhãn, phí lên kệ…

Ông Vũ Vinh Phú cho biết khâu trung gian trong hệ thống bán lẻ của Việt Nam hưởng lợi quá lớn, trong khi những người sản xuất ra sản phẩm, đặc biệt là nông dân, chỉ được hưởng phần lợi nhuận rất nhỏ, nhiều khi không có lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ.

Điều này từng thể hiện rất rõ qua việc có thời điểm giá thịt lợn hơi được người nuôi bán ra chỉ 19.000-22.000 đồng/kg, nhưng tại siêu thị giá lên tới 80.000-100.000 đồng/kg.

Ngay thời điểm hiện tại, trên thị trường đang xôn xao thông tin về việc dứa Thanh Hóa bị người trồng bỏ mặc ngoài đồng vì giá xuống thấp, chỉ còn 2.000 đồng/kg, nhưng tại các chợ và siêu thị ở Hà Nội vẫn đang bán giá 6.000-8.000 đồng/kg.

Các mặt hàng phải chịu nhiều loại phí trước khi được lên kệ siêu thị. (Ảnh: KTĐT)

Việc giá hàng hóa đội lên do những “góc khuất” tại hệ thống bán lẻ Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến hàng nội gặp khó ngay trên sân nhà, tạo cơ hội cho hàng ngoại tràn vào với giá cạnh tranh hơn.

Cũng theo tờ Lao động, nhiều doanh nghiệp đã nhiều lần lên tiếng về những lý do khiến hàng hóa đưa vào siêu thị bị đội giá cao, nhưng kết quả “đâu vẫn hoàn đấy”.

Tại một hội nghị về kết nối cung cầu cuối năm 2017, nhiều nhà cung ứng phản ánh: Họ bị ép chiết khấu, chi phí đưa vào một số siêu thị, nhất là siêu thị lớn, chiếm khoảng 30% giá thành. Điều này khiến sản phẩm của họ bị đội giá cao.

“Tại thời điểm này, chi phí sản xuất tăng cao, chi phí kho bãi, vận chuyển cao, hàng vào siêu thị lớn phải chịu thêm 20-25% mức phí, chúng tôi chỉ có nước ôm hàng về nhà tự bán, hoặc đóng cửa dừng sản xuất,” chủ 1 doanh nghiệp ngành thực phẩm đông lạnh bày tỏ ý kiến.

Theo phản ánh của nhiều hội nông dân, để đưa được hàng vào siêu thị, họ phải chịu rất nhiều chi phí như: Chiết khấu, hoa hồng, phí gầm bàn, phí đầu kệ, phí sinh nhật, chiếm dụng vốn…

Kết quả là khi hàng vào được siêu thị, giá đội lên cao và người tiêu dùng phải mua với giá đắt.

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất không dám đưa hàng vào siêu thị vì phải lo quá nhiều các loại phí. Họ đành phải tự tìm cách phân phối sản phẩm.

Theo ông Vũ Vinh Phú, các cơ quan quản lý chức năng cần vào cuộc để kiểm tra, giám sát, tạo sân chơi công bằng để người nông dân không bị các doanh nghiệp bán lẻ ăn mất lợi nhuận, và người tiêu dùng không bị móc túi một cách vô lý, còn những doanh nghiệp bán lẻ thì ngồi “rung đùi” thu lợi nhuận.

Minh Tuệ 

Exit mobile version