Đại Kỷ Nguyên

Hàng loạt Website không thể truy cập do mất điện: Điện lực TP. HCM nói gì?

Trang web vov.vn không thể truy cập sáng 23/9. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Tổng công ty Điện lực TP. HCM, việc hàng loạt báo điện tử, ứng dụng tại Việt Nam không thể truy cập do lỗi của Công ty Vinagame (VNG) bởi lịch cắt điện đã được thông báo từ sớm. 

Khoảng 11h ngày 23/4, các báo điện tử tại Việt Nam như Thanh Niên, Tiền Phong, VOV, Zing… đồng loạt không vào được. Theo Báo Lao Động, các trang web này sử dụng hệ thống quản lý nội dung (CMS) ePi, có hệ thống quản lý đặt tại trung tâm dữ liệu VinaData của VNG. Cùng lúc, nhiều hệ thống website, nền tảng giải trí của tập đoàn VNG như Zing MP3, Zalo, Zalo Pay… và hệ thống game trực tuyến gặp sự cố tương tự.

Chiều 23/9, ông Nguyễn Tấn Hưng (Trưởng ban Quan hệ Cộng đồng Tổng công ty Điện lực TP. HCM) khẳng định với VnExpress, sự cố là “do máy phát của Công ty Vinagame (VNG) vì phía điện lực đã thông báo cắt điện từ nhiều ngày trước”.

Kế hoạch cắt điện sửa chữa lưới điện được Công ty Điện lực An Phú Đông thông báo từ hôm 18/9. Theo đó, từ 9-14h ngày 23/9 sẽ tạm ngưng cung cấp điện. Ngoài ra, An Phú Đông đã đề nghị Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) thông báo tới các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn điện dự phòng thay thế.

Email giải thích lý do sự cố cho khách hàng của VinaData. (Ảnh: VnExpress)

Phía QTSC cho biết, đã gửi email, tin nhắn đến doanh nghiệp trong phạm vi bị ảnh hưởng về việc cắt điện. Khi điện cắt, các đơn vị đều sử dụng nguồn dự phòng, trong đó có VNG.

“Tuy nhiên, trong quá trình vận hành máy phát dự phòng, VNG đã để xảy ra sự cố, gây mất điện làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật vận hành các trang tin điện tử, báo điện tử”, ông Hưng thông tin.

Theo ông Trần Thanh Hải – Giám đốc công nghệ công ty FPT Telecom, mất điện ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của trung tâm dữ liệu. Tình trạng này có thể được khắc phục nhanh chóng nhờ máy phát hoặc bộ lưu điện, tuy nhiên cũng có hệ thống cần thời gian dài để hoạt động trở lại. Bởi khi khởi động lại, các luồng dữ liệu có thể không “khớp” được với nhau, do ảnh hưởng từ việc máy chủ bị mất điện đột ngột. Thời gian khôi phục lúc này phụ thuộc vào độ phức tạp và độ lớn của cơ sở dữ liệu.

Không đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc cho rằng, việc xảy ra sự cố tại trung tâm dữ liệu do mất điện là điều khó chấp nhận.

“Điện, mạng, hệ thống làm mát là ba điều căn bản của trung tâm dữ liệu và là lý do để khách hàng tới sử dụng dịch vụ thay vì đặt máy chủ tại nhà. Thời gian bảo trì, khắc phục các sự cố như mất điện thể hiện khả năng và chất lượng của các trung tâm. Nếu downtime một phút là chuyện bình thường, 5 phút là sự cố lớn còn 30 phút tới một tiếng là khó chấp nhận được”, ông Phúc nói.

Sáng 24/9, các trang báo điện tử, phần mềm dịch vụ của VNG đã hoạt động trở lại sau nhiều giờ tê liệt. (Ảnh chụp màn hình)

Đến 23h ngày 23/9, các báo điện tử sử dụng hệ thống quản lý nội dung ePi đã hoạt động trở lại, một số dịch vụ của VNG có thể truy cập nhưng bị chậm, khó khăn. Khoảng 3h 40′ ngày 24/9, Zalo đã tương tác bình thường.

Đây là lần thứ hai trong năm 2018, VNG gặp sự cố mang tính hệ thống. Trước đó ngày 26/4, một thành viên trên diễn đàn Raidforums đã đăng tải đường link dữ liệu về tài khoản, mật khẩu, email, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, số CMND – hộ chiếu… của hơn 163 triệu tài khoản Zing ID.

Khi đó, VNG thông báo đã có biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn xâm nhập và hạn chế số người bị ảnh hưởng.

Khôi Minh (Tổng hợp)

Exit mobile version