Đại Kỷ Nguyên

Hà Nội phạt 7 triệu đồng với hành vi vứt rác trên phố đi bộ Hồ Gươm

Phố đi bộ quanh Hồ Gươm là nơi thí điểm việc phạt nguội xả rác. (Ảnh: Kiến Thức)

Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đang phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm việc ghi hình, xử lý các trường hợp xả rác không đúng quy định ở phố đi bộ Hồ Gươm.

Mới đây, phố đi bộ Hồ Gươm được công ty Môi trường đô thị Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm việc ghi hình, xử phạt đối với các hành vi xả rác không đúng nơi quy định.

Cụ thể theo báo Kiến Thức, bắt đầu từ ngày 26/4, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã đặt camera giấu kín tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và ngã tư Tràng Tiền – Hàng Khay để ghi lại hình ảnh những người vứt rác không đúng nơi quy định và nhắc nhở ngay sau đó.

Nhân viên công ty môi trường ghi hình người xả rác bừa bãi ở phố đi bộ Hồ Gươm. (Ảnh: N.H/VnExpress)

Ngoài ra, công ty Môi trường đô thị Hà Nội còn đặt nhiều tấm biển nhựa cảnh báo không xả rác bừa bãi dọc tuyến phố đi bộ vào mỗi dịp cuối tuần. Nội dung của biển nhựa nhắc nhở mọi người để rác đúng nơi quy định và mức xử phạt lên đến 7 triệu đồng.

Biển thiết kế dáng chữ A với những nội dung nhắc nhở cần thiết được thiết kế trực quan, ngắn gọn ở 2 mặt. (Ảnh: Tiền Phong)

Báo Tiền Phong cho biết, biển được thiết kế dáng chữ A gọn nhẹ, đơn giản, chất liệu nhựa cứng, cao khoảng 60 cm, với 2 nội dung khác nhau ở 2 mặt. Mặt có in chữ màu xanh nhắc nhở mọi người đổ rác đúng nơi quy định và mặt in chữ vàng cảnh báo về mức xử phạt có thể lên tới 7 triệu đồng với hành vi xả rác bừa bãi.

Đặc biệt, trên cả 2 mặt đều có dòng chữ nhấn mạnh “Chúng tôi sẽ chụp ảnh, quay phim hành vi xả rác bữa bãi”.

Biển cảnh báo được đặt ngay trước khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. (Ảnh: Dân Trí)

“Điểm đặt biển được chọn lựa tại những vị trí phù hợp, vừa tầm quan sát của người dân và du khách, đặc biệt là tại những khu vực kinh doanh ăn uống, nơi lượng rác thải được xả ra nhiều nhất” – đại diện Công ty Urenco cho biết.

Các tấm biển cảnh báo không xả rác bừa bãi dọc tuyến phố đi bộ vào mỗi dịp cuối tuần. (Ảnh: Dân Trí)

Ngoài các biển chữ A, hàng loạt biển có nội dung tương tự cũng được treo tại các barie đặt tại lối vào các tuyến phố đi bộ. Nhờ vậy, các du khách khi vừa bước vào phố đi bộ đã thấy được thông tin và được nhắc nhở để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Không gian đi bộ Hà Nội gồm toàn bộ và một phần các tuyến đường: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Lê Lai, Lê Thạch, phố Trần Nguyên Hãn, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền, Lò Sũ, Hàng Dầu, phố Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can, Phố Hàng Bài, Bảo Khánh; mở cửa từ 19h đến 24h các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, trung bình mỗi ngày, phố đi bộ đón 20.000-25.000 lượt khách tham quan. Ngày lễ, Tết có thời điểm lên tới 200.000 người.

Sau mỗi lần sự kiện ngoài trời được tổ chức nhân dịp lễ, Tết, tuyến phố đi bộ tràn ngập rác thải, đồ ăn thừa, túi nilon. Thống kê của Xí nghiệp môi trường đô thị số 2 (Urenco2), trung bình mỗi ngày đơn vị này thu gom hơn 200 tấn rác thải sinh hoạt từ khu vực phố đi bộ.

Hồng Hoa (tổng hợp)

Xem thêm:

Exit mobile version