Đại Kỷ Nguyên

Hà Nội: Bé 2 tuổi gần đứt lìa bàn chân do nghịch máy làm miến

Bé D. đã được phẫu thuật nối liền bàn chân (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Bé N.N.D, 2 tuổi (Hà Nội) trèo lên máy làm miến của gia đình để nghịch và không may bị máy cán gần đứt lìa bàn chân phải.

Ngày 10/11, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho trường hợp bé N.N.D trong tình trạng bàn chân phải gần đứt lìa, theo Trí thức trẻ.

Trước đó, ngày 24/10, trong lúc mải chơi, bé D. trèo lên máy làm miến của gia đình để nghịch và không may bị máy càn phải. Sau tai nạn, bé được người nhà cấp tốc đưa vào Bệnh viện Quân y 103 sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng sốc chấn thương, bàn chân phải gần đứt lìa, mất nhiều máu, đứt xương, đứt động mạch, đứt dây thần kinh gân cơ. Bé D. ngay lập tức được hội chẩn và được phẫu thuật nối bàn chân phải ngay trong sáng cùng ngày.

Bác sĩ Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình nhi cho biết: “Ca mổ kéo dài hơn 2 tiếng ngay trong buổi sáng với sự phối hợp xử lý đồng bộ của các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương – Chỉnh hình nhi, khoa Gây mê hồi sức. Trong quá trình phẫu thuật, êkíp đã tiến hành mổ cố định xương bàn chân phải và nối gân, mạch máu cho cháu bé. Ngay sau ca phẫu thuật, bàn chân bệnh nhi đã hồng ấm trở lại”.

Sau hơn 2 tuần phẫu thuật, phần xương được cố định của bệnh nhi không có dấu hiệu nhiễm trùng, phần cơ bàn chân phải được nuôi dưỡng tốt. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhi tiến triển tốt, bé D. đã được chỉ định xuất viện.

Theo các bác sĩ, chấn thương khi có đứt lìa một phần cơ thể có thể gặp trong tai nạn lao động, giao thông, sinh hoạt, do thiên tai, chiến tranh… Các thương tổn đứt lìa thường gặp là ngón tay, ngón chân, một phần chi trên hoặc chi dưới, tai, mũi… đều có thể phẫu thuật nối liền với tỉ lệ thành công lên đến trên 80%, với điều kiện các bộ phận chi đứt lìa được bảo quản đúng cách, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Trong trường hợp gia đình có người chẳng may bị tai nạn, người nhà lưu ý:

– Cầm máu bằng cách băng ép tạo lực ép trực tiếp vào vết thương để cầm máu và kết hợp với nâng cao vùng bị tổn thương.

– Rửa phần chi đứt rời bằng nước sạch hoặc nước muối Nacl 0,9% nếu như vết cắt bẩn và có nguy cơ ô nhiễm, loại bỏ dị vật như đất, sỏi đá.

– Gói phần chi thể bị cắt đứt trong một chiếc khăn ướt sạch hoặc một miếng vải ẩm, sạch sẽ, đặt vào trong một túi ni lon hoặc túi nhựa được đóng kín, sau đó đặt túi ni lon vào trong nước đá lạnh.

– Chuyển tới cơ sở y tế, cơ sở điều trị chuyên khoa nơi gần nhất để việc khâu nối có cơ hội thành công.

Khôi Minh

Exit mobile version