Đại Kỷ Nguyên

Grab tăng chiết khấu, tài xế lại đình công

tài xế Grab

Nhiều tài xế chạy xe ôm công nghệ đã tập trung phản đối việc hãng này bỗng dưng tăng chiết khấu lên 23,6% thay vì 20% như trước đó. (Ảnh: tieudungplus.vn)

Ngày 10/1, nhiều tài xế chạy xe ôm công nghệ đã tập trung về trụ sở của hãng Grab trên đường Tô Hiến Thành (Tp.HCM) để phản đối việc hãng này bỗng dưng tăng chiết khấu lên 23,6% thay vì 20% như trước đó.

Từ ngày 1/1/2018, Grab Việt Nam thay mặt đối tác tài xế GrabBike và GrabExpress thực hiện việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, theo Dân trí.

Cụ thể, Grab Việt Nam sẽ khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế (bao gồm 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân) trên 80% doanh thu mà đối tác nhận được, tương đương khoảng 3,6%.

Nhiều tài xế công nghệ đồng loạt tắt ứng dụng đình công. (Ảnh Zing)

Sau 10 ngày áp dụng mức chiết khấu này, nhiều tài xế xe ôm công nghệ ngày 10/1 đã đồng loạt tắt ứng dụng để phản đối. Tại Tp.HCM, nhiều tài xế còn cùng nhau kéo về trụ sở của hãng để đình công. Giới tài xế công nghệ vô cùng bức xúc vì Grab liên tục tăng mức chiết khẩu kể từ tháng 8/2017 đến nay.

Chia sẻ trên Zing, một tài xế cho biết anh cùng các đồng nghiệp tập trung tại trụ sở của Grab ở Tp.HCM để phản đối việc mức chiết khấu của Grab tăng từ 20% lên 23,6%.

Rất đông tài xế GrabBike kéo đến trụ sở của Grab tại Tp.HCM ngày 10/1. (Ảnh: Dantri)

Một tài xế khác bức xúc cho biết họ phải trả bao nhiêu khoản như xăng, hao mòn máy móc, tiền 3G… trước kia đã khó sống, đến nay lại tăng chiết khấu thì họ không biết sống làm sao.

Đại diện của hãng Grab cho biết việc tăng 3,6% là phần thuế thu hộ và đóng hộ cho đối tác theo yêu cầu của ngành thuế. Trong 2 năm qua, Grab đã hỗ trợ đối tác bằng việc sử dụng ngân sách công ty để đóng khoản này.

Đại diện của Grab cũng cho biết hãng chỉ kê khai, thu hộ các đối tác GrabBike, GrabExpress có mức doanh thu bắt buộc phải nộp thuế là trên 100 triệu đồng/năm. Số tiền thu hộ này sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều tài xế cho rằng, để có doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm thì họ phải bỏ ra rất nhiều chi phí như xăng xe, tiền điện thoại, bảo dưỡng xe… nên Grab cần tính toán lại, bởi cước phí không tăng.

Diệu Chi

Exit mobile version