Đại Kỷ Nguyên

Gợi nhớ cuộc đời, sự nghiệp danh sĩ Ngô Thì Nhậm qua ‘Người đi tìm minh chủ’

Vở diễn Người đi tìm minh chủ giúp người xem hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của danh sĩ Ngô Thì Nhậm.

Tối 1/8, Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn tổng duyệt vở Người đi tìm minh chủ do NSƯT Triệu Trung Kiên làm đạo diễn. Thông qua vở cải lương, khán giả có cái nhìn khách quan hơn về những nghi vấn lịch sử, những nỗi oan khiên mà Ngô Thì Nhậm phải hứng chịu.

Qua đó, Người đi tìm minh chủ truyền tải những công lao to lớn của Ngô Thì Nhậm với quốc gia, dân tộc trong giai đoạn đất nước nhiều biến động vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.

Theo An ninh Thủ đô, đạo diễn Trung Kiên cho hay: “Để tạo nên mạch đi xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm, tôi đã đổi tên từ Ngô Thì Nhậm thành Người đi tìm minh chủ. Một phần cũng xuất phát từ quan điểm của danh sĩ là “Người chính nhân phải biết coi vua chúa không bằng quốc gia, dân tộc. Kẻ quân tử chỉ biết thờ quốc gia, dân tộc, chứ không thờ chúa thờ vua”.

Một cảnh trong Người đi tìm minh chủ.

Nhà hát Cải lương Việt Nam đang có ý tưởng đưa vở diễn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhằm tận dụng tối đa khung cảnh thực của Khuê Văn. Nhân vật Ngô Thì Nhậm sẽ do nghệ sĩ Văn Đáng thể hiện. Ngoài ra, Người đi tìm minh chủ còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ khác như Minh Lý, Xuân Thông, Quang Khải, Minh Hải, Như Quỳnh…

Ngô Thì Nhậm (1746-1803) là danh sĩ, nhà văn thời hậu Lê – Tây Sơn. Ông vốn người làng Tả Thanh Oai, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Trong 57 năm cuộc đời, Ngô Thì Nhậm là một vị quan thanh liêm, đa tài thời Lê – Trịnh và luôn bên cạnh, làm quân sư cho vua Quang Trung. Cả cuộc đời, Ngô Thì Nhậm mải miết đi tìm minh chủ để cống hiến vì quốc thái, dân an. Nhưng rồi những nghiệt ngã của cuộc đời đã khiến ông phải lận đận, thăng trầm và nếm trải nhiều oan khuất. Cuối cùng, ông bị Đặng Trần Thường hãm hại và qua đời.

Ngô Thì Nhậm để lại cho thế hệ sau nhiều bài học lớn và là tấm gương sáng về tài, trí, dũng, mưu.

Yến Yến

Exit mobile version