Đại Kỷ Nguyên

‘Góc khuất’ của cầu thủ U23 Việt Nam

Thủ môn Bùi Tiến Dũng từng phải đi làm phu hồ để kiếm tiền nuôi gia đình, trung vệ Tiến Dũng suýt bỏ nghiệp quần đùi áo số vì nhớ nhà, mỗi bàn thắng quan trọng Quang Hải đều dành tặng người thày quá cố.  

‘Góc khuất’ của cầu thủ U23 Việt Nam

“Lá chắn thép” Tiến Dũng

‘Góc khuất’ của cầu thủ U23 Việt Nam

Trung vệ Bùi Tiến Dũng hay được gọi với cái tên Dũng “Quân Khu”, biệt danh xuất phát bởi cầu thủ sinh năm 1995 khởi nghiệp từ hai đội bóng quân đội: Quân Khu 4 và Viettel.

Dũng “Quân Khu” đam mê bóng đá từ nhỏ. Tuổi thơ Dũng gắn liền với những buổi trốn học đi đá bóng. Anh từng nhiều lần phải ăn những trận đòn “thừa sống thiếu chết” của bố mẹ. Tuy nhiên, Bùi Tiến Dũng suýt chút nữa từ bỏ giấc mơ sân cỏ vì không chịu nổi nỗi nhớ nhà khi ở lò đào tạo trẻ Quân Khu 4. Khi ấy Dũng đã ngồi lì trong phòng khóc liền ba ngày rồi tự ý bỏ đội để về với gia đình. Sau khi được bố mẹ ra sức động viên, Dũng đã quay lại Quân Khu 4 để viết tiếp giấc mơ “quần đùi áo số”.

Khởi nghiệp ở vị trí tiền vệ trung tâm, sau đó, Tiến Dũng được các huấn luyện viên đội trẻ Viettel đẩy xuống đá trung vệ do đội bóng thiếu người.

Bùi Tiến Dũng tuân thủ khá tốt kỷ luật và nếp sinh hoạt do được rèn luyện trong môi trường quân đội từ nhỏ. Cầu thủ sinh năm 1995 từng cùng các đồng đội tại Viettel nghỉ đá bóng một tháng để “nhập ngũ” tại Lữ đoàn đặc nhiệm 144. Đây là một chương trình nằm trong kế hoạch rèn luyện cầu thủ của đội bóng quân đội.

Bùi Tiến Dũng được các HLV đánh giá cao ở phong cách máu lửa trên sân. Anh hiện đang nắm giữ chiếc băng đội trưởng CLB Viettel. Cầu thủ 22 tuổi cũng từng được HLV Hữu Thắng lựa chọn làm thủ quân tại U22 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á 2018 và Sea Games 29 vừa qua.

Trung vệ Bùi Tiến Dũng từng được triệu tập vào Đội tuyển Quốc gia khi mới chỉ 20 tuổi. Anh góp mặt trong trận giao hữu giữa Đội tuyển Việt Nam và CLB Machester City năm 2015.

Bầu Đức từng nhiều lần đặt vấn đề với Viettel để đưa Tiến Dũng về HAGL nhưng đều không thành công. Đội bóng quân đội chỉ đồng ý để trung vệ sinh năm 1995 thi đấu tại phố Núi trong giai đoạn lượt về mùa giải 2015 theo dạng cho mượn.

Tiến Dũng là một trong năm cầu thủ thi đấu trọn vẹn thi đấu trọn vẹn 630 phút cùng U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á.

“Người nhện” Tiến Dũng từng phải đi phu hồ

‘Góc khuất’ của cầu thủ U23 Việt Nam

Sau giải U23 châu Á, cái tên Bùi Tiến Dũng trở thành từ khóa hot. Đó là bởi những pha bắt bóng xuất thần của thủ thành Bùi Tiến Dũng, đặc biệt là những cú cản bóng trong màn đá luân lưu.

Bùi Tiến Dũng sinh năm 1997, cao 1m81, có khuôn mặt góc cạnh, thủ môn này người dân tộc có vẻ lạnh lùng, lì lợm trên sân cỏ và đang thi đấu dưới áo của đội FLC Thanh Hóa.

Tiến Dũng cùng em trai Tiến Dụng sinh ra và lớn lên Làng Bào, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Tiến Dũng là con thứ hai trong gia đình 3 chị em dân tộc Mường. Nhà Dũng nghèo, tuổi thơ sắn khoai qua ngày, nhưng cũng không làm cùn đi niềm yêu thích bóng đá. Không có tiền mua bóng hai anh em cuốn lá chuối, giấy vụn làm bóng chơi. Đến năm lớp 7, trung tâm huấn luyện dưới huyện Thường Xuân chiêu sinh, Dũng và Dụng xin bố mẹ cho đi thi tuyển. Nhưng bố mẹ lại lo không có đủ 600.000 đồng chu cấp mỗi tháng cho mỗi người nên cũng đắn đo mãi rồi mới quyết định gửi 2 anh em đi học.

Thủ môn Tiến Dũng và em trai tiền vệ Tiến Dụng.

Thế nhưng giấc mơ bóng đá có nguy cơ tan vỡ khi mà Trung tâm đào tạo trẻ tại huyện miền núi Thường Xuân phá sản, ngừng hoạt động. Hai anh em đành phải về quê, lâu lâu đi đá phủi cho thỏa nỗi đam mê.

Tình cờ Dũng đọc được trên mạng tin PVF Hồ Chí Minh tuyển sinh lứa 1998 tại Thanh Hóa với lời hứa đài thọ mọi chi phí ăn ở. Dũng xui em Dụng trốn bố mẹ “đầu quân” cho PVF còn mình sẽ thay em ở nhà kiếm tiền.

Dụng vượt qua nhiều ứng viên để giành suất vào Nam. Còn Dũng ở nhà miệt mài kiếm tiền giúp bố mẹ, chấp nhận làm đủ thứ, từ làm đồng thuê đến phu hồ. May mắn đã lại đến với DŨng khi HLV Nguyễn Thành Dũng đưa Tiến Dũng về đội trẻ Thanh Hoá. Thời điểm đó, bóng đá trẻ xứ Thanh chìm trong khó khăn. Sau nhiều ngày miệt mài tập luyện trong khung gỗ, Tiến Dũng được HLV Hoàng Anh Tuấn chú ý và triệu tập vào đội U21 Việt Nam chuẩn bị cho giải giao hữu Nations Cup tại Malaysia vào tháng 6/2016. Anh không phải là sự ưu tiên số 1, thậm chí là đứng thứ 4 trong số 4 người gác gôn của đội bóng. Thậm chí, Dũng chỉ giành suất tới Bahrain khi người đánh máy sai sót trong việc đăng ký danh sách U19 Việt Nam tham dự giải đấu.

Tuy nhiên, thủ thành sinh năm 1997 đã tỏa sáng khi được trao cơ hội, góp công giúp U19 Việt Nam lọt vào bán kết VCK U19 châu Á 2016 và giành tấm vé tham dự VCK U20 World Cup 2017.

Bùi Tiến Dũng luôn có thói quen ghi chép nhật kí sau mỗi buổi tập và các trận đấu. Đặc biệt, cuốn nhật kí của Dũng luôn dày thêm nhiều trang mỗi khi cầu thủ sinh năm 1997 mắc lỗi dẫn tới bàn thua của đội nhà. Chàng trai người dân tộc Mường luôn tìm cách khắc phục những sai lầm mắc phải.

Người đồng đội thân thiết nhất của Bùi Tiến Dũng không ai khác ngoài cậu em trai Bùi Tiến Dụng. Hai anh em có chung sở thích, chung suy nghĩ. Bên cạnh đó, Dũng và Dụng sử dụng chung một tài khoản ngân hàng ATM.

Bùi Tiến Dũng có sở thích sưu tập giày và găng tay thi đấu. Đối với cầu thủ 20 tuổi, đầu tư những vật dụng thi đấu không bao giờ thừa.

Thủ môn của FLC Thanh Hóa đặt mục tiêu thi đấu tới năm 40 tuổi và luôn tránh xa bia, rượu, thuốc lá và những chất kích thích khác. Dũng chỉ “thưởng thức” nước lọc mỗi khi tụ tập giao lưu cùng bạn bè.

Thần tượng của Bùi Tiến Dũng không ai khác ngoài Petr Cech của Arsenal . Dũng chia sẻ bản thân đã học hỏi khá nhiều từ thủ môn người Cộng hòa Séc, đặc biệt ở những tình huống bắt phạt đền.

Trong suốt giải đấu tại Trung Quốc, Bùi Tiến Dũng đã phải đối mặt với 13 cú sút penalty và chàng trai trẻ này đã xuất sắc cản phá thành công 4 trong số đó, đó là chỉ số cao nhất trong số các thủ môn tại giải. Tính trong cả 6 trận thi đấu tại giải, Bùi Tiến Dũng phải đối mặt với 30 cú sút và anh cản phá thành công 21 lần (tỷ lệ 70%). Tiến Dũng đã có 2 trận giữ sạch lưới ở “hành trình trong mơ” lần này. Ở trận thắng Australia 1-0 và hòa Syria 0-0, anh đã có tổng cộng 7 pha cản phá thành công.

“Siêu nhân” Quang Hải

‘Góc khuất’ của cầu thủ U23 Việt Nam

Với những cú sút thần sầu, cái tên Quang Hải được nhắc đến rất nhiều trong giải U23 Châu Á, rất nhiều đội bóng quốc tế đã ngỏ ý quan tâm đến tiền vệ này. Trong cuộc sống, Quang Hải rất hòa đồng và vui tính.

Tuổi thơ của Hải cũng lớn lên trong nghèo khó ở làng Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội), ngay trước cửa nhà là sân bóng nên tình yêu bóng đá đã thấm vào người Hải ngay từ khi còn bé thơ. Gia đình chỉ làm thuần nông nên cũng nghèo lắm, nên món ao ước nhất khi đó là quả bóng da.

Năm 2007, huấn luyện viên của lò đào tạo trẻ Hà Nội Vũ Minh Hoàng phát hiện ra Hải và tuyển chọn vào câu lạc bộ. Nhận thấy tố chất đặc biệt của Quang Hải, thương hoàn cảnh của cậu học trò nghèo hiếu học, Vũ Minh Hoàng không những chỉ dạy mà còn nhận Hải làm con nuôi, Tuy nhiên, sáu năm trước HLV Vũ Minh Hoàng không may qua đời vì tai nạn,đây cũng là cú sốc lớn trong cuộc đời Hải, thế nên sau mỗi bàn thắng quan trọng Hải thường chia sẻ nhớ tới người cha nuôi.

Quang Hải khởi nghiệp ở vị trí tiền đạo. Tuy nhiên, các HLV sau đó đã sắp xếp Hải đá tiền vệ sau khi nhìn ra tố chất kĩ thuật của cầu thủ sinh ra tại Hà Nội. Tiền vệ sinh năm 1997 cũng từng thừa nhận vị trí thi đấu sau tiền đạo phù hợp hơn với bản thân mình.

Người đồng đội thân thiết nhất với Quang Hải chính là Duy Mạnh. Hải và Mạnh “sát cánh” cùng nhau từ những ngày đầu ăn tập bóng đá. Bộ đôi Hà Nội FC coi nhau như anh em ruột thịt trong gia đình.

Quang Hải luôn cầu thị trong tập luyện và thi đấu. Cầu thủ 20 tuổi không bao giờ tự hài lòng với những gì mình có được. Sau mỗi giải đấu, Hải “con” luôn tự tìm ra những điểm yếu của bản thân để tìm cách khắc phục.

Con người của Quang Hải luôn khiêm tốn. Anh không bao giờ nhận công lao về mình, mà khẳng định công lao thuộc về cả đội.

Giới chuyên môn nhận định anh là ‘Robben của Việt Nam’, và hôm nay cái lòng trong chân trái ‘cực ngoan’ của anh một lần nữa khẳng định tất cả đã đúng.

“Chiến binh” Vũ Văn Thanh là sâu ngủ

‘Góc khuất’ của cầu thủ U23 Việt Nam

Hậu vệ Vũ Văn Thanh là một mắt xích không thể thay thế trong sơ đồ chiến thật của HLV Park Hang-seo. Anh cũng có màn ăn mừng bàn thắng hiên ngang mà được nhiều người lưu giữ.

Văn Thanh từng từ chối khi nhận lời mời vào học viện bóng đá HAGL JMG do không muốn rời xa gia đình. Cầu thủ sinh năm 1996 chỉ đồng ý lên Pleiku khi Văn Toàn và Văn Sơn, hai đồng đội của anh tại đội bóng đá nhi đồng Hải Dương trúng tuyển. Tuy nhiên, chàng trai này từng thuộc nhóm hạng bét trong kỳ thi sát hạch của lứa cầu thủ HAGL JMG khóa một. Anh bị “đúp” và phải xuống tập luyện cùng các em ít tuổi hơn ở khóa hai.

Văn Thanh có thể thi đấu ở nhiều vị trí khác nhau như hậu vệ phải, hậu vệ trái, tiền vệ trung tâm, tiền vệ biên và thậm chí cả tiền đạo.

Tại VCK U23 Châu Á 2018, cầu thủ 21 tuổi được bố trí thi đấu ở cả vị trí biên phải và biên trái. Anh thi đấu ổn định và đóng góp vào chiến tích giành ngôi vị Á quân của đội nhà.

Văn Thanh được các huấn luyện viên đánh giá cao ở những nỗ lực và quyết tâm trong tập luyện cũng như thi đấu. HLV Hữu Thắng từng nhận xét cầu thủ sinh năm 1996 là một chiến binh thực thụ trong đội hình tuyển Việt Nam.

Trong mỗi buổi tập, Văn Thanh thường dành thêm thời gian để luyện tập những quả phạt trực tiếp và những tình huống phạt đền.

“Số 17” đã thực hiện thành công cả hai quả luân lưu trong hai chiến thắng của U23 Việt Nam trước U23 Iraq và U23 Qatar.

Cầu thủ sinh năm 1996 từng được CLB Vojvodina của Serbia mời sang thử việc vào giữa năm 2016 vừa qua. Tuy nhiên, anh không thể nhận lời do bận tập trung cùng đội tuyển U22 Việt Nam tham dự vòng loại U23 Châu Á 2018 và Sea Games 29.

Văn Thanh khá nghiêm khắc với bản thân trong chuyện ăn uống. Cầu thủ 21 tuổi tự ý thức được chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Xuân Trường từng tiết lộ Văn Thanh rất hay ngủ “nướng”. Không chỉ có vậy, hậu vệ sinh năm 1996 thường “ngủ say như chết”. Thói quen này khiến anh luôn bị các đồng đội lấy ra làm trò đùa mỗi khi chìm sâu trong giấc.

“Người đóng thế” Phạm Xuân Mạnh

‘Góc khuất’ của cầu thủ U23 Việt Nam

Trong hai cuộc đối đầu ấy với Iraq và Qatar, hậu vệ Phạm Xuân Mạnh dù chỉ là “người đóng thế” do Đoàn Văn Hậu bị chấn thương nhưng vẫn thi đấu tròn vai và góp phần giúp đội nhà lập nên kì tích.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại một vùng quê Nghệ An, Phạm Xuân Mạnh có lối sống khá trầm tính và khép kín. Ngay từ nhỏ, anh tự định hướng bản thân sẽ theo nghiệp quần đùi áo số để thoát nghèo. Là con út, nhưng khi người chị đã đi lấy chồng nên cầu thủ người xứ Nghệ trở thành trụ cột của gia đình.

Tại CLB Sông Lam Nghệ An, Xuân Mạnh chỉ nhận mức lương khiêm tốn 6 triệu đồng mỗi tháng. Trước đó, anh chỉ bỏ túi 3,6 triệu đồng mỗi tháng khi còn thi đấu cho đội trẻ. Cầu thủ sinh năm 1996 tiết kiệm gần như toàn bộ số tiền kiếm được để gửi về quê giúp bố mẹ trả nợ.

Nhận được sự quan tâm và giúp đỡ rất nhiều từ HLV Ngô Quang Trường nên sự nghiệp của Xuân Mạnh cũng ảnh hưởng khá lớn từ người thày này.

Xuân Mạnh chỉ được HLV Park Hang-seo triệu tập bổ sung lên U23 Việt Nam sau khi thi đấu tại VCK U21 Quốc gia 2017. Anh không có tên trong danh sách Đội tuyển tham dự giải đấu giao hữu M-150 Cup.

Cầu thủ 21 tuổi có thể thi đấu ở nhiều vị trí như hậu vệ biên, tiền vệ biên, tiền vệ công, và thậm chí cả tiền đạo. Xuân Mạnh được các HLV đánh giá cao ở lối chơi máu lửa, không ngại va chạm.

Khi Việt Nam lập được kỳ tích, rất nhiều khoản tiền thưởng được hứa hẹn dành cho đôi tuyển chính là niềm vui đối với Xuân Mạnh. Điều đầu tiên Mạnh làm là gửi tin cho dì nhờ nhắn với mẹ rằng mình sẽ có tiền để trả nợ. Chàng cầu thủ 9X còn nhắn nhờ dì mua tivi mới cho bố mẹ.

“Người hùng thầm lặng” Lương Xuân Trường

‘Góc khuất’ của cầu thủ U23 Việt Nam

Chiến tích vào đến chung kết U23 châu Á của U23 Việt Nam có dấu ấn không nhỏ của cầu thủ đội trưởng Lương Xuân Trường với sự tiến bộ vượt bậc về phong độ cũng như cách chơi bóng.

Vị huấn luyện viên trong sự nghiệp Lương Xuân Trường chính là cha anh, ông Lương Bách Chiến. Ngay từ nhỏ, Trường đã được cha định hướng theo nghiệp bóng đá.

Cứ mỗi chiều, ông Chiến đều dẫn cậu con trai tới sân bóng. Xuân Trường phải hoàn thành đủ giáo án cha đề yêu cầu mới được về nhà ăn tối. Đã có lúc Trường phát khóc với những bài tập quá khắc nghiệt từ cha.

Tuổi thơ Xuân Trường gắn liền những trận bóng với hình phạt chui háng dành cho kẻ thua cuộc. Đã nhiều lần Trường ‘Híp’ khiến các anh lớn phải chấp nhận “cay đắng” làm người thất bại.

Xuân Trường mang trong mình tố chất thủ lĩnh ngay từ những ngày còn đi học. Lời nói của Trường luôn khiến các bạn răm rắp nghe theo. Chàng trai sinh năm 1995 từng ‘ra lệnh’ cho một bạn ‘đầu gấu’ trong lớp phải đứng ra nhận lỗi vì tội hay trấn lột tiền các em nhỏ.

Xuân Trường có khả năng giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh. Đã nhiều lần cầu thủ người Tuyên Quang trả lời phỏng vấn truyền thông Quốc tế mà không cần phiên dịch.

Thần tượng của cầu thủ 22 tuổi không ai khác ngoài Steven Gerrard. Trường luôn coi huyền thoại người Anh là hình mẫu để phấn đấu.

Xuân Trường yêu thích hãng thể thao Adidas. Thời gian gần đây, tiền vệ sinh năm 1995 được thương hiệu danh tiếng của Đức tài trợ giày để thi đấu và tập luyện.

Người đồng đội thân thiết nhất của Xuân Trường là Đức Huy. Trường và Huy thi đấu cùng nhau từ những ngày còn khoác áo Đội tuyển U19 Việt Nam. Đôi bạn thân luôn trêu đùa nhau cả ngoài đời cũng như trên mạng xã hội.

Trong cuộc sống, Xuân Trường rất hòa đồng và vui tính. Vì vậy, cầu thủ người Tuyên Quang luôn được các đồng đội quý mến.

“Sát thủ” Hà Đức Chinh

‘Góc khuất’ của cầu thủ U23 Việt Nam

Hà Đức Chinh thường được các đồng đội gọi với cái tên Chinh “đen”. Biệt danh này xuất phát từ làn da rám nắng của cầu thủ sinh năm 1997.

Sự nghiệp và phong cách thi đấu của Đức Chinh chịu ảnh hưởng lớn từ HLV Nguyễn Việt Thắng. Thầy Thắng huấn luyện Chinh từ những ngày đầu chàng trai quê Phú Thọ gia nhập PVF. Cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam luôn chịu khó tìm kiếm những giáo án tập luyện của những tiền đạo hàng đầu thế giới và áp dụng cho Chinh “đen”.

Đức Chinh không được HLV Park Hang-seo đánh giá quá cao khi tập trung cùng U23 Việt Nam chuẩn bị cho VCK U23 châu Á. Tuy nhiên, sự nỗ lực trong tập luyện và thi đấu giúp tiền đạo đang thi đấu cho SHB Đà Nẵng dần ghi điểm với ông thầy người Hàn Quốc. Hai pha lập công trong các trận giao hữu vào lưới Ulsan Hyundai FC và U23 Palestine giúp cầu thủ 20 tuổi được ông Park điền tên vào danh sách tham dự VCK U23 châu Á 2018.

Tại trận Tứ kết vừa qua, bàn thắng từ pha đánh đầu và cú sút luân lưu thành công của Đức Chinh đã góp công giúp U23 Việt Nam viết nên lịch sử khi lần đầu tiên lọt vào tới Bán kết VCK U23 Châu Á.

Hà Đức Chinh luôn nhớ về người cha quá cố sau mỗi lần sút tung lưới đối phương. Khi Chinh còn nhỏ, cha luôn ủng hộ và hy sinh giúp cậu con trai có được những điều kiện tốt nhất để theo đuổi giấc mơ sân cỏ.

Ngoài bóng đá, Chinh “đen” còn yêu thích bơi lội. Tuổi thơ của chàng trai quê Phú Thọ gắn liền với những buổi bơi qua sông để đi đá bóng.

Trái với phong cách máu lửa trên sân bóng, Hà Đức Chinh rất hòa đồng và nghịch ngợm trong cuộc sống. Cầu thủ sinh năm 1997 luôn cầm đầu những phi vụ trêu chọc đồng đội.

Hà Đức Chinh có đam mê ca hát. Tuy nhiên, giọng hát của anh luôn bị các đồng đội so sánh với nhân vật Chai-en trong bộ truyện tranh Doraemon.

Chinh “đen” yêu thích thương hiệu Mizuno. Tiền đạo đang thi đấu cho SHB Đà Nẵng lựa chọn sử dụng những đôi giày Mizuno trong tập luyện và thi đấu. Thời gian gần đây, cầu thủ 20 tuổi cũng tham gia đóng quảng cáo cho hãng thể thao đến từ Nhật Bản.

Đức Chinh hâm mộ Kền kền trắng Real Madrid. Trong khi đó, thần tượng của chàng trai 20 tuổi không ai khác ngoài siêu sao người Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo.

“Máy quét” Đức Huy

‘Góc khuất’ của cầu thủ U23 Việt Nam

Gia đình không ai theo nghiệp thể thao nhưng Huy lại sớm thể hiện năng khiếu với bóng đá. Thuở bé, Huy chơi ngang ngửa với đàn anh lớn hơn mình cả chục tuổi. Chàng cầu thủ sinh năm 1995 là nòng cốt của đội U11 Hải Dương lọt vào tứ kết giải U11 toàn quốc năm 2006.

Sau giải đấu ấy, Huy mạnh dạn xin bố mẹ cho lên Hà Nội tập luyện, theo đuổi giấc mơ thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mẹ anh không đồng ý, thậm chí còn phản đối quyết liệt.

Huy khóc, rồi năn nỉ: “Xin mẹ cho con một năm theo đuổi đam mê của mình, nếu không thành công, con sẽ về thi đại học”. Trước sự “nhiệt tình quá” của con trai, mẹ đành chấp thuận cho con lên thủ đô học đá bóng.

Chục năm trôi qua, Huy đã trở thành cầu thủ triển vọng ở CLB Hà Nội. Trước khi tỏa sáng với phần tranh chấp tốt, ban chuyền ở cự ly ngắn hiệu quả tại giải U23 vô địch Châu Á, Đức Huy từng gây ấn tượng với bàn thắng vào lưới U19 Tottenham Hotspur (Anh) ở giải Tứ hùng U19 quốc tế 2014. Chàng trai này đã cùng Duy Mạnh sang Nhật thử việc ở đội trẻ Consadole Sapporo.

Đức Huy nổi lên cùng lứa Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh ở đội tuyển U19 Việt Nam năm 2013. Rất tiếc sau đó, anh không được HLV Guillaume Graechen chọn cho Vòng chung kết U19 châu Á 2014. Tưởng rằng cầu thủ đang khoác áo Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội lâm vào cảnh “sớm nở, tối tàn”, nhưng không ngờ anh đã trở lại một cách mạnh mẽ. Chỉ xem Đức Huy thể hiện trong một trận cầu ở V-League 2017, HLV Park Hang-seo đã chọn anh đá tiền vệ trung tâm bên cạnh Xuân Trường. Dẫu vị trí sở trường của anh là tiền vệ trái, Đức Huy đã thích ứng rất nhanh với vị trí đá quét phía trên hàng phòng ngự. Cũng từ đây, biệt danh thân thiện Huy “máy quét” được các cầu thủ U23 Việt Nam đặt cho Phạm Đức Huy. Tại Vòng chung kết U23 châu Á, Đức Huy hỗ trợ Trường để quán xuyến khu vực giữa sân. Trước các đối thủ mạnh như Úc, Syria, Iraq, Qatar chính nhờ Xuân Trường và Đức Huy hoạt động tốt nên U23 Việt Nam không để mất thế trận. Đức Huy cũng tăng tốc rất nhanh ở các pha phản công để hỗ trợ cho Công Phượng, Quang Hải uy hiếp khung thành đối phương. Trong thành phần U23 Việt Nam, Đức Huy được mệnh danh là “người không phổi”. Anh là một trong những cầu thủ hoạt động nhiều nhất trên sân nhưng chưa bao giờ thấy anh bị thở dốc hay chuột rút. Chính thể lực sung mãn đó đã giúp Huy “gánh” cho đồng đội ở những hiệp phụ đá với Iraq và Qatar. Cầu thủ sinh năm 1995 là con trai út trong gia đình có 2 anh em. Theo lời kể của bố thì từ nhỏ Đức Huy đã bộc lộ những tài năng thiên bẩm, khác so với những đứa trẻ khác. Mới 7 tháng tuổi Huy đã nói thạo như đứa trẻ lên 2. 8 tháng tuổi Huy đã biết đi.

Khi lên lớp 4, Huy có mặt ở tất cả các giải bóng thiếu nhi của trường, xã, huyện. Huy học rất giỏi, nhất là môn toán nhưng niềm đam mê với bóng đá đã kéo em rẽ hẳn sang con đường thể thao chuyên nghiệp.

Vũ Vũ

Exit mobile version