Đại Kỷ Nguyên

Tập đoàn Nhật Bản thâu tóm doanh nghiệp giấy hàng đầu Việt Nam

Tập đoàn thương mại Sojitz của Nhật Bản đã trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn theo thông tin đăng ký kinh doanh ngày 24/5.

Nhu cầu về bìa cát tông của Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua. (Ảnh: Nikkei)

Chi ra 91 triệu USD, tập đoàn thương mại hàng đầu Nhật Bản Sojitz đã thâu tóm hơn 95% cổ phần của CTCP Giấy Sài Gòn – một doanh nghiệp sản xuất giấy hàng đầu Việt Nam.

Việc thâu tóm Giấy Sài Gòn giúp Sojitz nhanh chóng bước chân vào thị trường giấy của Việt Nam, trong đó lĩnh vực bao bì giấy đăng tăng trưởng nhanh, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam đang tăng cao sau các thay đổi về chính sách bảo vệ môi trường của quốc gia này.

Nhu cầu bìa cát tông ở Việt Nam đã tăng hơn 10 lần trong chỉ trong gần một thập kỷ qua do sức mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao. Không chỉ như vậy, nhu cầu giấy vệ sinh cũng tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ khi đời sống của người dân ở Việt Nam được cải thiện nhanh chóng.

Thành lập vào năm 1997 từ một cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, Giấy Sài Gòn đã nhanh chóng phát triển thành công ty sản xuất giấy tiêu dùng và giấy công nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Công ty đang cung cấp các sản phẩm giấy tiêu dùng thông qua hai nhãn hiệu hàng đầu là Bless You (thuộc phân khúc cao cấp) và SaiGon Paper (thuộc phân khúc phổ thông). Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có các sản phẩm giấy công nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất bao bì carton.

Giấy Sài Gòn đang sở hữu 2 nhà máy có công suất sản xuất hơn 40.000 tấn giấy tiêu dùng/năm và hơn 200.000 tấn giấy công nghiệp/năm.

Giấy Sài Gòn hiện nắm giữ 24% thị phần giấy tiêu dùng và nằm trong nhóm 5 công ty sản xuất giấy công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Doanh thu hàng năm của công ty lên tới 100 triệu USD.

Với việc mua cổ phần chi phối tại Giấy Sài Gòn, tập đoàn Sojitz sẽ đưa 6 quản lý cấp cao từ Nhật Bản sang hỗ trợ để giúp cải thiện hệ thống quản lý và kế toán của công ty.

Cả hai cũng sẽ chú trọng hơn vào việc cải tiến công nghệ cũng như môi trường làm việc của công ty.

Ngoài ra, Sojitz và Giấy Sài Gòn sẽ hợp tác với nhau để tái chế giấy thải từ các khu công nghiệp, cơ sở hậu cần và các cửa hàng tiện lợi Ministop.

Ông trùm thương mại Nhật Bản hy vọng doanh số sản xuất giấy trong nước của Giấy Sài Gòn sẽ tăng thêm 40% lên 18 tỷ Yên vào năm 2022.

Kiều Ngọc

Exit mobile version