Đại Kỷ Nguyên

Giá lợn hơi tăng phi mã: Mừng ít, lo nhiều!

Giá lợn tăng cao kỷ lục, nhiều người chăn nuôi vẫn e ngại không dám tái đàn bởi lo ngại thị trường chăn nuôi bất ổn, giá cả lên xuống khó lường. (Ảnh: Dân Việt)

Từ chỗ khủng hoảng trầm trọng, giá lợn hơi liên tục tăng cao trong 3 tháng qua, có nơi lên đến 57.000 đồng/kg. Giá lợn tăng cao giúp người chăn nuôi gỡ gạc được phần nào thua lỗ từ cuộc khủng hoảng kéo dài gần 2 năm qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại giá lợn hơi quá cao là điều đáng lo hơn đáng mừng.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng tăng trong tháng 7, với mức tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg.

Tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá lợn hơi ngày 3/8 xuất chuồng vẫn giữ mức cao, từ 54.000-57.000 đồng/kg, tiếp tục tăng 3.000-5.000 đồng/kg so với tháng trước đó. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Còn so với năm 2017, giá lợn hơi thời điểm này đã tăng gấp đôi.

Tại khu vực miền Trung, Hà Tĩnh là điểm đáng chú ý nhất khi giá lợn hơi đầu tháng 8 có nơi cán mốc cao nhất 58.000 đồng/kg đối với lợn chất lượng cao. Các loại lợn khác cũng dao động ở mức 53.000-54.000 đồng/kg, tăng 3.000-4.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng.

Tại miền Nam, giá lợn hơi có điều chỉnh nhẹ khi Công ty C.P chi nhánh Đồng Nai mới đây đã tăng giá bán 500 đồng/kg lên 51.000 đồng/kg đối với lợn hơi xuất tại trại. Điều này đã góp phần đẩy giá lợn hơi tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tp.HCM tăng lên.

Giá lợn tăng cao chóng mặt, song cú sốc của cuộc khủng hoảng giá lợn năm 2017 vẫn ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người chăn nuôi.

Theo Nông nghiệp Việt Nam, tại Nam Định, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn không dám tái đàn. Họ lo ngại giá lợn cao như hiện nay sẽ khó duy trì được lâu dài nên vẫn đành bỏ trống chuồng.

Theo lãnh đạo xã Hải Đông (huyện Hải Hậu), khoảng 3 năm về trước, toàn xã có hơn 100 trang trại nuôi lợn. Tuy nhiên, giá lợn tụt dốc không phanh và có thời điểm chỉ còn 18.000 đồng/kg trong giai đoạn năm 2016-2017 đã khiến nhiều chủ trang trại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Hiện tại, số trang trại nuôi lợn trên địa bàn xã Hải Đông chỉ còn khoảng 50 trang trại cầm chừng với số lượng rất nhỏ, không còn cảnh tấp nập những chuyến xe chở lợn đi tiêu thụ mặc dù giá đang rất cao.

Trả lời câu hỏi vì sao giá lợn đang tăng mạnh, nhiều hộ chăn nuôi không tái đàn mới trở lại, ông Tấn – chủ một trang trại lợn ở xã Hải Đông, cho biết một lứa lợn phải nuôi 4 tháng mới được xuất chuồng. Hiện tại, dù giá lợn có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa biết sẽ duy trì được bao lâu. Gia đình ông hiện chỉ nuôi khoảng 40 con cầm chừng, giảm 80% số lượng so với mọi năm.

Tương tự, ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây), cho biết, thời gian qua giá lợn hơi phía Bắc liên tục tăng. Tuy nhiên, giá thức ăn và hàng loạt vật tư đầu vào như thuốc thú y cũng đang “tát nước theo mưa”.

Cụ thể, giá thức ăn chăn nuôi (chiếm khoảng 70% giá thành) đã tăng khoảng 15-17%. Giá con giống từ chỗ chỉ 400.000-500.000 đồng/con đã lên 1,1-1,2 triệu đồng/con vẫn rất khó mua. Vì vậy, việc giá lợn tăng cao thời gian qua thực chất chỉ giúp những hộ chăn nuôi lợn cầm cự được từ sau đợt khủng hoảng cách đây 5-6 tháng. Đối với những hộ mới vào giống tái đàn muộn gần đây, sẽ khó hy vọng có lãi cao bởi giá thành đang tăng chóng mặt.

Chia sẻ trên Dân Việt, chủ một trang trại nuôi lợn ở chủ trang trại ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết thực tế nông dân hiện nay chủ yếu lấy công làm lãi. Trong 2 năm qua, người chăn nuôi lợn cả nước nhiều lần liêu xiêu vì gặp phải “bão giá”, trong đó năm 2017 gia đình anh đã phải chịu lỗ tới gần 2 tỷ đồng. Do đó, đợt tăng giá lần này mới chỉ giúp gia đình anh gỡ gạc được phần nào, trả bớt nợ nần.

Vỹ An

Exit mobile version