Đại Kỷ Nguyên

‘Gánh’ thêm 300 tấn bê tông bù vênh, kết cấu cầu Bạch Đằng bị ảnh hưởng?

Từ khi cầu Bạch Đằng hợp long (tháng 4/2018), chủ đầu tư đã phát hiện tình trạng chênh lệch cao độ giữa các đốt dầm. (Ảnh: Zing)

Nhà quản lý, người có trách nhiệm đưa ra lời giải thích khá dè dặt cho câu hỏi: “Liệu 300 tấn bê tông bù vênh có làm hỏng kết cấu của cây cầu Bạch Đằng hơn 7.300 tỷ đồng?”

Theo Báo Thanh Niên, tỉnh Quảng Ninh và Công ty cổ phần BOT Bạch Đằng đã quyết định đổ 200 m3 bê tông (tương đương khoảng 300 tấn) để bù đắp vào những vị trí công vênh, giúp mặt cầu Bạch Đằng phẳng hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Bạch Đằng cho VOV biết, sau khi hợp long phải mất 1 tháng để căn chỉnh nội lực của dây văng, đảm bảo hoạt động nhịp nhàng. Khi đúc hẫng cân bằng, tải trọng của 2 bên khối đúc phải đều, nếu không sẽ tạo chênh lệch. Khi nhận ra mặt cầu bị vênh cũng là thời điểm đơn vị thi công đang căn chỉnh khả năng chịu lực của dây văng nên phải chờ khoảng 3 tháng sau khi đi vào hoạt động mới có thể bù vênh.

Ngoài vấn đề về thời gian thi công, chất lượng, chi phí… thì lo ngại về việc cầu Bạch Đằng có an toàn khi phải “cõng” thêm 300 tấn thảm bê tông cũng được nhiều người nêu ra.

Lý giải vấn đề này, ông Đặng Hùng – Phó giám đốc sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trong thiết kế bao giờ cũng có hệ số an toàn, có tính những hệ số vượt tải nhất định nên việc thêm 300 tấn bê tông lên mặt cầu Bạch Đằng là có thể được.

Phía chủ đầu tư, nhà quản lý cây cầu đưa ra những giải thích chung chung rằng “trước hay sau khi bù vênh thì chất lượng cầu vẫn đảm bảo”.

Theo Báo Giao Thông, trong văn bản mới nhất UBND tỉnh Quảng Ninh gửi Bộ GTVT về vụ việc này, cũng chỉ nói: “Công tác xử lý sẽ được triển khai theo lộ trình bằng việc thực hiện bù phụ lớp bê tông nhựa mặt cầu để tạo sự êm thuận”.

Cũng trong văn bản này, tỉnh Quảng Ninh đề xuất: “Tạm thời điều chỉnh giảm tốc độ tối đa cho phép từ 100 km/h như hiện tại xuống mức phù hợp đảm bảo ATGT”.

Vị trí lún có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. (Ảnh: VnExpress)

Trước đó, nhiều người dân phát hiện bề mặt cầu Bạch Đằng dù mới đi vào hoạt động đã lún võng với độ chênh lệch lớn nhất khoảng 20 cm, nguy cơ gây mất an toàn cao.

Phía chủ đầu tư nói, do cây cầu sử dụng nhiều cột bê tông chịu lực, dầm nên dẫn tới khả năng kết nối với nhau không đồng đều, từ đó khiến mặt cầu không bằng phẳng. Tuy nhiên, các thông số kỹ thuật quan trắc cho thấy tình trạng cầu vẫn ổn định; ứng suất trong kết cấu dầm, trụ tháp, biến dạng của kết cấu, độ võng của kết cấu nhịp, lực căng của cáp dây văng… đều nằm trong giới hạn cho phép.

Hoàng Kỳ (Tổng hợp)

Exit mobile version