Đại Kỷ Nguyên

Gần 50% trẻ em Việt tiếp xúc với nội dung bạo lực trên Internet

Quảng cáo trên video có nội dung, bình luận tác động tiêu cực trẻ em. (Ảnh chụp màn hình)

Xếp thứ 13/201 quốc gia có số lượng cao sử dụng Internet song khung pháp lý bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Việt Nam chưa chặt chẽ.

Sáng 12/7, tại buổi Hội thảo “Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho hay, nguy cơ rủi ro trong thế giới ảo và thế giới thực ngày càng khó phân định. Trẻ em có thể là nạn nhân, người đón nhận, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi có nguy cơ bị xâm hại trên Internet, theo Zing.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em. (Ảnh: Zing)

Theo ông Nam, trẻ em hiện phải đối mặt với nhiều rủi ro trong môi trường mạng như hình ảnh của trẻ bị xâm hại, bóc lột được phát tán. Bên cạnh đó, trẻ em có thể tiếp xúc với nhiều nội dung không phù hợp như bạo lực, nhạy cảm hay thậm chí xúi giục tự tử…

Ông Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bởi Việt Nam xếp 13/201 quốc gia có số lượng cao sử dụng Internet, tỷ lệ lớn là trẻ em và thanh niên.

Theo kết quả khảo sát “Những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet” do Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP) và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện năm 2014, gần 36,5% số trẻ trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực. Hơn 13% buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm. Gần 16% trẻ gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng.

Trong khi đó, 2% trẻ em nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh không mong muốn.

Hơn 65% trẻ em có trải nghiệm tiêu cực trên Internet. (Ảnh: Zing)

Ông Đặng Hoa Nam đưa ra lời khuyên cha mẹ nên làm bạn để chia sẻ, hướng dẫn con sử dụng và khai thác thông tin trên Internet.

“Cần thực tế nhìn nhận cha mẹ đi sau con cái về công nghệ thông tin, nên cần học hỏi theo sát để bảo vệ con”, ông Nam nói.

Bên cạnh đó, việc xử phạt những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng, chia sẻ thông tin bí mật của trẻ em còn khá nhẹ, với hình thức nhắc nhở. Ông này cho rằng các khung pháp lý bảo vệ trẻ em cần được sửa đổi, chặt chẽ hơn để mang tính răn đe.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em, ông Michael Gray, Giám đốc chương trình quỹ SecDev chỉ ra, trẻ em phải đối mặt với những mối đe doạ trực tuyến, thiếu sự hướng dẫn của cha mẹ, giáo viên hoặc các bên trung gian truyền thống.

“Trong thời đại công nghệ số, chỉ có cách tiếp cận đa bên mới giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến an toàn của trẻ trên môi trường mạng”, ông chia sẻ.

Báo cáo về bóc lột tình dục thương mại trẻ em do Bộ LĐTB&XH và UNICEF công bố năm 2014 cho thấy, văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em mang tính thương mại tồn tại ở Việt Nam. Các vụ việc xâm hại, bóc lột tình dục thương mại trẻ em ngày càng gia tăng, nhờ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, trẻ em dễ bị dụ dỗ, ép buộc tham gia “phô bày cơ thể” và “biểu diễn tình dục qua mạng”. Ngoài ra, hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em có nguy cơ rao bán cho bên thứ 3.

Theo các chuyên gia, mỗi chủ thể khác nhau có vai trò bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng riêng, song, về cơ bản, cần lưu ý: Đối với trẻ em, cần có kỹ năng để bảo vệ mình trên mạng xã hội như không nên nói chuyện với người lạ trên internet, không nên cung cấp cho người khác thông tin cá nhân, gia đình…

Đối với phụ huynh, nên cài đặt “chế độ trẻ em” trên các thiết bị có truy cập internet; không nên chia sẻ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, tình trạng gia đình, con cái, họ tên, các địa chỉ, điện thoại, các mối quan hệ, hoàn cảnh… một cách công khai trên internet.

Hỗ trợ, giám sát việc truy cập internet của con cái tránh khỏi các nguy hiểm do các tương tác trên môi trường mạng mang lại. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, cần tăng cường việc đặt ra các tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em tốt hơn, theo báo Giáo Dục Việt Nam.

Hồng Hoa

Exit mobile version