Đại Kỷ Nguyên

Eximbank vẫn lãi đột biến trong quý I bất chấp bê bối mất tiền gửi

Liên tiếp dính 2 vụ bê bối làm “bốc hơi” gần 300 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, Eximbank lãi 560 tỷ đồng trong quý I/2018, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố báo cáo hợp nhất quý I/2018 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 560 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 170 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2017.

Con số lợi nhuận đạt được khá ấn tượng trong bối cảnh Eximbank đang phải giải quyết 2 vụ khiếu nại làm mất tổng cộng gần 300 tỷ đồng tiền gửi trong sổ tiết kiệm của khách hàng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao ngân hàng này lại có mức lãi đột biến trong quý I?

Theo Người lao động, nếu tính lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tín dụng trước khi trích lập dự phòng rủi ro, Eximbank lãi tới 711 tỷ đồng, hơn gấp đôi mức cùng kỳ năm ngoái là 303 tỷ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của Eximbank quý I cho thấy thu nhập lãi thuần trong quý này giảm so với cùng kỳ khi chỉ đạt 667,3 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3/2018, các chỉ tiêu về tổng tài sản của Eximbank giảm so với thời điểm đầu năm, tiền gửi của khách hàng và dư nợ cho vay cũng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái.

Thực tế, lợi nhuận của Eximbank chủ yếu đến từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần với mức thu nhập 521,5 tỷ đồng. Đây là khoản lãi từ việc bán cổ phần sở hữu của Eximbank tại Sacombank (STB).

Eximbank lãi đột biến trong quý I/2018 nhờ thoái vốn khỏi Sacombank.

Tại Đại hội cổ đông Eximbank mới đây, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc ngân hàng này, cho biết Eximbank đã tiến hành thoái vốn đối với khoản đầu tư cổ phiếu STB từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018.

Theo Người đưa tin, Eximbank bắt đầu đầu tư 165 triệu cổ phiếu STB (8,75% cổ phần) từ năm 2012 với giá vốn là khoảng 10.600 đồng/cổ phiếu. Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch thoái vốn của Eximbank tại Sacombank.

Sau gần 6 năm, Eximbank bán lại cổ phiếu này với giá bán bình quân 14.064 đồng/cổ phiếu. Thu nhập từ hoạt động thoái vốn đối với khoản đầu tư này đã đóng góp vào lợi nhuận kinh doanh của Eximbank gần 650 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 ghi nhận đóng góp vào lợi nhuận là 126,2 tỷ đồng và quý I/2018 ghi nhận 521,4 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Eximbank tăng mạnh trong năm 2017 và quý I/2018.

Trong nửa đầu năm 2018, vụ việc Eximbank bị tố làm mất 245 tỷ đồng của khách hàng trở thành bê bối tai tiếng nhất trong ngành tài chính ngân hàng. Bê bối này càng “nóng” hơn khi Eximbank liên tục tuyên bố không hoàn tiền cho khách hàng, chờ phán quyết của tòa dù vụ việc có dấu hiệu về hành vi lừa đảo của ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank Tp.HCM.

Nguyễn Trang

Exit mobile version