Đại Kỷ Nguyên

Đường Việt Nam tìm được cửa sang Mỹ giữa lúc bị ‘bóp nghẹt’ bởi đường lỏng Trung Quốc

Trong bối cảnh nhiều công ty đường gặp khó khăn, có nguy cơ đóng cửa do đường lỏng Trung Quốc đổ bộ chặn đầu ra của đường trong nước, đã có doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu thành công đường vào thị trường Mỹ.

Chia sẻ trên Tuổi trẻ, đại diện Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) xác nhận thông tin xuất khẩu thành công lô đường đầu tiên sang Mỹ với khối lượng 29 tấn. Theo vị này, đợt xuất khẩu này chủ yếu để thăm dò thị trường.

Để có thể xuất lô hàng này vào Mỹ, SBT đã phải trải qua nhiều quá trình phức tạp. Trong đó, yêu cầu bắt buộc là mặt hàng đường phải đạt được giấy chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Các sản phẩm của SBT cũng phải chứng minh được sản xuất bằng công nghệ châu Âu với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Theo đại diện của SBT, nắm được nhu cầu Mỹ đang muốn tiếp cận các nguồn cung cấp đường khác thay vì phụ thuộc quá lớn vào Mexico như hiện tại, công ty đã quyết định tìm đường vào thị trường khó tính này.

Bên trong nhà máy vừa xuất khẩu thành công đường Việt Nam sang Mỹ. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Các chuyên gia nông nghiệp đánh giá Mỹ là một trong những nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới với tổng mức tiêu thụ lên đến 12 triệu tấn/năm.

Nước này nhập khẩu đường từ hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó Mexico cung cấp khoảng 1/3. Tuy nhiên, sau các tranh cãi về thương mại đường từ đầu năm 2017, nhiều nhà nhập khẩu đường của Mỹ muốn tìm nguồn đường thay thế nguồn hàng từ Mexico.

Việc SBT là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu được đường vào thị trường Mỹ hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội giúp ngành đường Việt Nam có thể vươn ra thế giới trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh đường trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2017-2018 được coi là năm mặn chát của ngành đường Việt Nam khi giá đường liên tục rớt thảm hại. Thậm chí có thời điểm, giá đường giảm xuống dưới ngưỡng giá thành và gần bằng giá đường lậu, doanh nghiệp ngậm ngùi bán lỗ để có tiền thanh toán mía cho nông dân. Theo Kinh tế & Tiêu dùng, giá đường xuống quá thấp khiến cho nhiều nhà máy đường tại các tỉnh đồng bằng Cửu Long phải đóng cửa.

Số liệu từ Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, tính từ đầu vụ đến giữa tháng 5, giá đường tinh luyện giảm khoảng 2.000 đồng/kg, đường trắng giảm khoảng 2.800-2.900 đồng/kg.

Giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại các nhà máy ở miền Bắc dao động từ 11.000-12.000đồng/kg; Miền Trung Tây Nguyên là 10.500-11.000đồng/kg; Miền Nam 11.200-11.800đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước, giá đường giảm mạnh từ 5.000-5.500đồng/kg.

Trong khi đó, giá thành sản xuất đường tại các nhà máy hiện nay dao động khoảng 11.000-13.000 đồng/kg, giá đường lậu khoảng 11.000 đồng/kg.

Giá đường xuống thấp nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm khiến lượng đường tồn kho tính đến hết tháng 4 đã lên tới 700.000 tấn, theo VSSA.

VSSA cho rằng điều đáng lo lắng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đường trong nước là hàng trăm nghìn tấn đường lỏng từ Trung Quốc và Hàn Quốc đổ bộ về Việt Nam. Theo ước tính của VSSA, đường lỏng nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc khiến ngành mía đường trong nước giảm sút thị phần, giảm sản lượng đường bán nội địa, tổng thiệt hại trong 3 năm 2015-2017, ước tính gần 527 tỷ đồng.

Đáng chú ý, gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến bánh kẹo cũng giảm hơn 30% lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường lỏng giá rẻ do loại đường này được hưởng thuế suất 0%.

Theo VSSA, đường lỏng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, dẫn đến béo phì gia tăng, gây thất thoát doanh thu thuế cho Nhà nước. Tại khu vực ASEAN, nhiều nước đang áp thuế nhập khẩu mặt hàng đường lỏng rất cao 25%-55%. Thậm chí, một số nước như Philippines không cho nhập khẩu loại đường này. Vì vậy, Việt Nam cần kiểm soát, áp thuế mặt hàng này.

Nguyễn Trang

Exit mobile version