Được đánh giá là có nền tảng vững chắc khi dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục, song tỷ giá năm 2018 có thể vẫn phải đối diện với những rủi ro.
Năm 2017 được coi là khá thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Tỷ giá hối đoái ổn định, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được đảm bảo.
Nhờ sự ổn định của tỷ giá, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước tăng lên mức 52 tỷ USD khi đã mua ròng được tới 13 tỷ USD bổ sung. Đây cũng là tiền đề để trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018 NHNN tiếp tục nạp thêm lượng ngoại tệ tới hơn 5 tỷ USD, giúp dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục mới 57 tỷ USD.
Chia sẻ trên trang CafeF, PGS.TS Tô Trung Thành thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng dù có được nền tảng rất vững chắc nhưng tỷ giá năm 2018 có thể đối diện một số rủi ro.
Đầu tiên là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục gia tăng lãi suất do tăng trưởng kinh tế Mỹ phục hồi khá tốt cùng tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm. Lãi suất tăng có thể sẽ khiến đồng USD tăng giá trở lại, gây áp lực đến VND vốn đã được định giá cao khoảng hơn 20% so với năm 2009.
Bên cạnh đó, các yếu tố như tình hình xuất nhập khẩu, dự trữ quốc gia, tình hình kinh tế vĩ mô… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách tỷ giá. Nếu tăng trưởng tốt trong sự ổn định, thì đồng tiền vững giá và ngược lại, tăng trưởng nhanh nhưng có thể sẽ không bền vững.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối mặc dù đã tăng mạnh nhưng vẫn còn mỏng, chỉ tương đương mức được khuyến cáo 3 tháng nhập khẩu, và đang ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, dư địa tác động ổn định tỷ giá thông qua lãi suất không có nhiều do mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng rõ ràng thông qua các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ thông qua.
Tuy vậy, tỷ giá năm 2018 vẫn được đánh giá là sẽ không có những cú sốc lớn và có thể được duy trì ổn định với sự hỗ trợ lớn từ xu hướng kiều hối, dòng vốn nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018. Cùng với đó, cơ chế điều hành tỷ giá cũng đã có dấu hiệu linh hoạt và chủ động hơn theo tín hiệu của thị trường. Trong ngắn hạn, NHNN có đủ khả năng để can thiệp nếu vẫn muốn ổn định tỷ giá, tạo lợi thế cho Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Vân Anh (tổng hợp)