Cuộc chạy đua mở rộng hệ thống của các doanh nghiệp bán lẻ đã đẩy giá cho thuê mặt bằng tại Tp.HCM tăng chóng mặt, có nơi giá cho thuê đã tăng gấp đôi so với trước.
Trong khi phân khúc trung tâm thương mại, siêu thị tăng trưởng chậm lại, phân khúc cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini lại bùng nổ cả về số lượng lẫn số doanh nghiệp tham gia. Cuộc đua tranh trên thị trường bán lẻ đang tập trung vào phân khúc này.
Theo Người lao động, tính chung 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Tp.HCM có thêm 509 cửa hàng tiện lợi, tăng gần gấp đôi so với số cửa hàng hiện hữu vào cuối năm 2017. Trung bình mỗi tháng ở Tp.HCM xuất hiện thêm gần 100 cửa hàng tiện lợi.
Các công ty nghiên cứu thị trường nhận định Việt Nam sẽ có tốc độ phát triển cửa hàng tiện lợi nhanh nhất khu vực châu Á vào năm 2021 và sẽ có cuộc cạnh tranh sống còn giữa các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế. Hiện các thương hiệu quốc tế như Family Mart (Nhật Bản), Circle K (Mỹ), Shop&Go và B’s mart (Đông Nam Á) đang thống lĩnh thị trường Việt Nam và chiếm gần 70% số cửa hàng tiện lợi.
Mới đây nhất, GS25 – một chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc – đã chính thức lấn sân vào thị trường bán lẻ Việt Nam và đang lên kế hoạch mở hơn 2.500 cửa hàng trên khắp cả nước trong 10 năm tới. Sau nửa năm gia nhập vào thị trường gần 100 triệu dân, GS25 đã mở được 15 cửa hàng và đến cuối năm sẽ nâng lên khoảng 40-50 cửa hàng.
Theo lãnh đạo GS25, số cửa hàng tiện lợi so với dân số ở Việt Nam chưa đáng kể và trong tương lai mô hình này sẽ tiếp tục phát triển. Chính vì tiềm năng tăng trưởng này, GS25 quyết định tham gia thị trường Việt Nam.
Đáng chú ý, không chịu đứng ngoài lề để các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng chạy đua mở rộng chuỗi. Đơn cử như Thế Giới Di Động, Vingroup, Saigon Co.op… ráo riết tìm mặt bằng cho các chuỗi Bách hóa Xanh, Vinmart+, Co.op Food, Cheers, Satrafoods…
VinMart+ đang sở hữu gần 1.300 cửa hàng trên toàn quốc và tiếp tục mở rộng độ phủ đến các vùng miền trên toàn quốc. Saigon Co.op nắm trong tay gần 250 cửa hàng Co.op Food, hơn 70 cửa hàng Co.opSmile. Thế Giới Di Động xác định Bách hóa Xanh là mảng đầu tư cốt lõi trong năm 2018, đã huy động vốn để đẩy nhanh tốc độ mở chuỗi này.
Cuộc chạy đua mở rộng chuỗi của các doanh nghiệp bán lẻ đã đẩy giá cho thuê mặt bằng tăng chóng mặt, có nơi giá cho thuê đã tăng gấp đôi so với trước.
Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), chi phí mặt bằng quá cao đang khiến bài toàn đầu tư trở nên khó khăn hơn. Cụ thể, ông Dũng cho biết giá thuê mặt bằng nhỏ diện tích 80-100 mét vuông ở Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân đã lên đến 35 triệu đồng/tháng, chủ cho thuê không chịu ký dài hạn và đòi tăng giá 10% mỗi năm. Nếu cộng hết chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước, khấu hao… đã tốn khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Giới phân tích cho rằng, dù phát triển nhanh và nhiều, nhưng chi phí mặt bằng quá cao sẽ át hết lợi nhuận. Do đó, trong cuộc đua này, những “ông lớn” ngoại có vốn mạnh đang chiếm nhiều lợi thế hơn.
Vỹ An