Đại Kỷ Nguyên

Điện thoại nổ khi vừa dùng vừa sạc, nam thiếu niên bị dập nát bàn tay

Ảnh minh hoạ

Khi nằm trên giường và dùng điện thoại trong tình trạng đang sạc, bỗng nhiên có tiếng nổ lớn, bệnh nhân Vũ Minh G. (17 tuổi, Vụ Bản, Nam Định) hét lên đau lớn. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu với bàn tay trái dập nát, các ngón tay đứt lìa.

Trong bản tin trưa nay (14/1) báo Dân Trí đưa tin, BS. Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cho biết, hôm qua (13/1), bệnh viện tiếp nhận ca tai nạn do nổ điện thoại trầm trọng, khiến bàn tay bệnh nhân bị dập nát rất đáng sợ.

Bàn tay nam thanh niên bị dập nát nghiêm trọng, không thể nối lại. (Ảnh: Vietnamnet)

Bệnh nhân là Vũ Minh G. (17 tuổi, quê ở Vụ Bản, Nam Định) được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Nam Định khoảng 14h ngày 13/1 trong tình trạng kích thích, bàn tay dập nát nghiêm trọng. Toàn bộ bàn tay trái, ngón tay của bệnh nhân bị nát tươm, rơi lìa các ngón tay khiến bệnh nhân cụt ngón.

Gia đình cho biết trên Vietnamnet, trưa 13/1, G. ngồi trên giường vừa dùng điện thoại vừa cắm sạc. Sau đó có tiếng nổ lớn bất ngờ vang lên. Mọi người trong nhà vội vàng chạy vào, phát hiện bàn tay của G. bị nát bươm, chảy nhiều máu nên dùng khăn cầm máu rồi chuyển ngay vào BV đa khoa tỉnh cấp cứu. 

Khác với vết thương cắt lìa có thể vi phẫu nối ghép lại được, trường hợp này bệnh nhân bị tổn thương dập nát nên không còn khả năng nối liền chi, theo VnExpress.

BS. Hưng khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang cắm nguồn sạc.

Đối với nạn nhân bị chấn thương do điện thoại phát nổ khi sạc, cần nhanh chóng ngắt nguồn thiết bị để tránh điện giật. Băng bó vết thương, bất động chi và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Một số khuyến cáo sử dụng điện thoại và sạc pin điện thoại đúng cách để đảm bảo an toàn cho người dùng:

  • Không sử dụng điện thoại khi đang sạc pin.
  • Để điện thoại ở nơi thoáng mát khi sạc pin (lý tưởng ở 25 độ C).
  • Không sử dụng các loại củ sạc, dây sạc, pin, pin dự phòng không chính hãng hoặc không phải của các hãng uy tín.
  • Khi thiết bị không sử dụng trong thời gian dài cần sạc pin lên tối thiểu 50%. Sau 6 tháng không sử dụng cần sạc lại pin.
  • Với công nghệ pin Li-ion hiện tại thì có thể sạc lại pin ở bất kỳ dung lượng nào, nhưng khuyến cáo nên sạc đầy pin rồi sử dụng, tránh việc cắm đi cắm lại nhiều lần, có thể gây chai pin.
  • Khi phát hiện pin có dấu hiệu bất thường (pin bị phồng, pin sụt nhanh bất thường…) cần liên hệ với nhà sản xuất thiết bị để được thay thế.
  • Pin Li-ion phổ biến trên điện thoại di động hiện nay dùng trên 2 năm, dù dùng đúng cách thì dung lượng pin cũng bị giảm đi, thường chỉ còn khoảng 80%. Lúc này dù pin không có dấu hiệu bất thường thì cũng nên xem xét thay thế.

Khôi Minh (tổng hợp)

Exit mobile version