Đại Kỷ Nguyên

Điển phạm văn chiêu võ liệt của Nho gia cuối cùng lại trở thành thần tiên Đạo giáo?

Trong tiểu sử thần tiên Đạo giáo, Nhan Chân Khanh, người được liệt vào hạng thần tiên, là "Bắc Cực khu tà Viện tả phán quan”, tức là thẩm phán bên trái của Viện Trừ tà Bắc Cực (Shutterstock)

Tam canh đăng hỏa ngũ canh kê, chính thị nam nhi độc thư thì.
Hắc phát bất tri cần học tảo, bạch thủ phương hối độc thư trì.

Dịch là
Canh ba thắp lửa canh năm sáng, là lúc nam nhi dậy học bài
Tóc đen chẳng biết năng học sớm, bạc đầu mới hối vô khả nại.

Bài thơ khuyến học của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh. Thư pháp của ông hùng hồn phong phú, trang nghiêm chính đại, vừa nghiêm cẩn vừa khí thế hùng vĩ. Ông làm quan thanh liêm, dám nói dám làm, điềm nhiên trước ma nạn, coi cái chết là sự trở về, tiết tháo trung nghĩa soi sáng cả mặt trăng, núi cao cũng phải ngước nhìn. Ông là một điển phạm bất hủ của “chữ thế nào người thế nấy” – ông là Nhan Chân Khanh, hồn thư pháp của nhà Đường.

Hàng ngàn năm sau, văn chiêu võ liệt của ông vẫn khiến lòng người cảm động. Trong cuộc binh biến An Lộc Sơn năm 755, ông cầm đầu giương cao cờ nghĩa, lãnh đạo 17 quận Hà Bắc chống lại phản quân, hơn 30 thành viên của gia tộc họ Nhan, bao gồm anh họ Nhan Cảo Khanh và cháu trai Nhan Quý Minh bị bắt và bị giặc giết hại dã man, nhưng cả gia tộc đều trung liệt. Ông lập triều cương chính, công ngôn tiến gián, bị những kẻ gian thần xu nịnh oán hận làm hại, khiến ông mấy lần bị giáng chức, nhưng ông vẫn trung thành nhất quán, hết lòng vì dân, cống hiến hết mình cho sự phục hưng của nhà Đường, đức cao vọng trọng. 30 năm sau loạn An Sử, khói lửa chiến tranh lại nổ ra, ở tuổi 77, ông đã hy sinh thân mình vì đất nước, tất cả tướng sĩ tam quân đều khóc lóc bi thống…

Nhan Chân Khanh (709-785) lần lượt giữ chức giám sát ngự sử, bình nguyên thái thú, sử bộ thượng thư, thái tử thái sư, phong Lỗ quận công, được mệnh danh là “Nhan Lỗ Công” (Phạm vi công cộng)

Không lâu sau cái chết của Nhan Chân Khanh, truyền thuyết hóa tiên của ông đã lan truyền trong dân gian. Vi Huyến, một văn nhân thời trung Đường, trong “Nhung mạc nhàn đàm” có ghi rằng Nhan Chân Khanh đã thi giải thành tiên. Khi người nhà di dời ngôi mộ của ông, họ phát hiện quan tài đã mục nát, nhưng bên trong khuôn mặt vẫn như còn sống, tay chân mềm mại, ria mép xanh đen, tay nắm không mở, móng tay đâm xuyên ra sau… Khi khiêng quan tài, thì cảm giác càng lúc càng nhẹ, khi mở nắp ra xem thì chỉ thấy một chiếc quan tài trống rỗng mà thôi. Có những câu chuyện tương tự trong “Tiên truyền thập di” cuối thời nhà Đường và “Thái bình quảng ký” đầu thời nhà Tống. Trong tiểu sử của các vị tiên đạo Đạo giáo, “Lịch thế chân tiên thể đạo thông giám”, Nhan Chân Khanh là “Bắc Cực khu tà Viện tả phán quan”, được tôn xưng là thần linh của Đạo giáo Lôi Bộ, phụ trách xua đuổi ác quỷ tà ma.

Làm thế nào một điển phạm Nho gia lại trở thành thần tiên Đạo giáo? Hết thảy đều có lý do. Vào thời nhà Đường, khi tam giáo Nho Thích Đạo cùng tồn tại và hội nhập, sự sáng tác và thẩm mỹ của văn nghệ  không thể tách rời khỏi sự nuôi dưỡng và ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Thích giáo và Đạo giáo. Nhà thư pháp Nhan Chân Khanh không chỉ có di sản văn hóa Nho gia thâm hậu, mà còn có sự siêu nhiên của tiên phong đạo cốt.

Thư sinh Phật tự, tiến sĩ khai nguyên

Uyên nguyên của nền giáo dục gia đình Nhan Chân Khanh là ngũ thế tổ Nhan Chi Thôi trong cuốn “Nhan thị gia huấn“, cụ đã giáo huấn con cháu hậu đại tuân thủ nghiêm ngặt truyền thống học hành và gia phong thanh liêm chính trực. Tổ thượng của ông đều là những nhà thư pháp, mẹ ông cũng viết rất đẹp. Chân Khanh mất cha khi còn nhỏ, là người con hiếu thảo, thông tuệ, khắc khổ tự lập. Ông dùng một thanh gỗ nhúng vào bùn vàng, tập viết thư pháp lên tường. Không nhẫn tâm để quả mẫu phải dựa vào sự tiếp tế của người thân để nuôi cả bầy con nhỏ, hơn mười năm trước kỳ thi tiến sĩ, ông chủ yếu tá túc tại ngôi chùa Sơn Lâm Phật Tự để học hành. Chuông sáng trống chiều, gió thanh trăng sáng, ông cứ thế học tập chăm chỉ trong sự giản khiết an định. Năm 18 tuổi ông mắc bệnh nặng, chỉ hồi phục sau khi uống đan dược của đại sĩ Bắc Tiên Quân. Bắc Tiên Quân nói với ông: “Cậu là có tiên tịch, đừng trầm mê hoạn hải mà ra làm quan.” Kể từ đó, Nhan Chân Khanh “luôn lưu tâm về tiên đạo”, cũng đọc một số tác phẩm kinh điển của Phật giáo và Đạo giáo.

Kiệt tác đại biểu sơ kỳ của Nhan Chân Khanh, “Đa Bảo Phật tháp bi” (tấm bia chùa Đa Bảo), nét bút cung cẩn thành khẩn, cốt cách cứng cỏi, bình ổn đĩnh đạc. Đây là điển phạm thông hành nhất dành cho người mới bắt đầu học viết thư pháp. (Phạm vi công cộng)

“Tam thập lão minh kinh, ngũ thập thiểu tiến sĩ”, bao nhiêu người đã sống hơn nửa cuộc đời vẫn còn gấp rút đi thi, Nhan Chân Khanh 26 tuổi thi lần đầu đã đỗ tiến sĩ tân khoa năm Khai Nguyên (734), kết hôn với con gái của Vi Địch, một trung thư xá nhân của thái tử. Trước và sau khi song hỷ lâm môn, Đường Huyền Tông đã làm một việc khiến ông ấn tượng sâu sắc, một đại sự rất chấn động, đó là

  1. Đưa Trương Quả Lão, một trong bát tiên, vào cung Đông Đô trên xe kiệu,
  2. Năm 735, đưa cuốn “Đạo Đức Kinh” có bút chú của hoàng đế ban hành ra thiên hạ, lệnh cho tất cả các châu phải khắc thành bia đá đặt trên đường lớn. Mùa thu cùng năm, hoàng đế cũng ngự chú lên “Kinh Kim Cương” của Phật giáo. Ngay từ năm 722, hoàng đế nhà Đường lần đầu tiên ngự chú vào “Hiếu Kinh”, hoàng đế nhà Đường đã biên chú vào các tác phẩm kinh điển của Nho Thích Đạo, tượng trưng cho “Tam giáo tịnh liệt, vạn tính tri quy …. vạn thù nhất quán, tam giáo đồng quy” (theo lời của tể tướng Trương Cửu Linh).

Nhan Chân Khanh tham gia thuyên tuyển vào Lại Bộ, được đề bạt làm giao thư lang. Khi mẹ ông qua đời, ông từ chức về quê thủ hiếu suốt ba năm. Sau đó, Nhan Chân Khanh lại vượt qua kỳ thi “Bác học văn từ tú dật khoa”. Trong những năm đầu Thiên Bảo, ông từ huyện úy Lễ Tuyền phủ Kinh Triệu được thăng nhiệm huyện úy Trường An. Khi Nhan Chân Khanh 39 tuổi, lại được bổ nhiệm làm giám sát ngự sử, ông đã minh oan cho nhiều vụ án giả oan sai ở quân Ngũ Nguyên, vừa khớp đương địa đang hạn hán kéo dài thì có mưa to, người dân Ngũ Nguyên đã trìu mến gọi đó là “mưa ngự sử”.

Từ Trung Nguyên đại địa đến Giang Nam mù sương

Vào năm Thiên Bảo thứ mười hai (753), Nhan Chân Khanh bị giáng chức khỏi Trường An vì đắc tội với sủng thần Dương Quốc Trung, ông bị đẩy đi tới nơi rất xa Trường An, đến quận bình nguyên Đức Châu Sơn Đông làm thái thú, quận bình nguyên là địa hạt thuộc quản hạt của Phạm Dương, tiết độ sứ An Lộc Sơn. Nhan Chân Khanh mẫn duệ đã nhận thức sâu sắc những dấu hiệu về mưu đồ xấu xa của An Lộc Sơn, nên đã tu sửa thành trì, dự trữ lương thực, phòng bị từ sớm. Bài “Đông Phương Sóc họa tán bi” được viết trong thời kỳ này cứng cỏi hùng hồn, mạnh mẽ nghiêm chính, là trân phẩm trong số các bia văn của Nhan Chân Khanh. Chẳng bao lâu sau, loạn An Sử nổ ra, ông chỉ huy đại quân 20 vạn kháng chiến, tất cả các quận ở Hà Sóc đều coi ông là Vạn Lý Trường Thành của quốc gia, và danh hiệu “Nhan bình nguyên” chính là từ đây mà ra. Vào mùa thu năm 758, Nhan Chân Khanh chỉ tìm thấy hộp sọ của cháu trai Quý Minh và xương chân của anh họ Cảo Khanh, ông cảm xúc bi thương tuôn trào, đã viết ra thiên hạ đệ nhất hành thư “Tế chất văn cảo”, huyết lệ của quốc thương gia thống, ưu tư bi tráng trào ra trong từng dòng chữ, lay động lòng người.

Một phần trong những dòng chữ của “Tế chất văn cảo” (Bài văn tế cháu tôi) của Nhan Chân Khanh. (Phạm vi công cộng)

Khi quốc vận của nhà Đường dần suy lạc, sự nghiệp của Nhan Chân Khanh cũng đầy thăng trầm. Những trung thần chính trực không a dua quyền quý, không nịnh nọt tâng bốc, thì không được triều đình nhìn nhận, thậm chí còn bị tể tướng Nguyên Tái vu hãm là “phỉ báng thời chính”. Mô thức bị giáng chức và lưu đày đã bắt đầu từ trước loạn An Sử, nửa đời về sau của ông càng bị lặp lại thường xuyên hơn, từ tuổi 45 đến 70, ông bị giáng chức tổng số 9 lần. Những hành trình dài gập ghềnh và mệt mỏi, lên ngựa xuống thuyền, ông đã in dấu chân mình ở khắp Sơn Đông, Hà Bắc, Thiểm Tây, Sơn Tây, Tứ Xuyên, Giang Tô, Hồ Bắc, Giang Tây, Chiết Giang…

Ông nói với các con rằng: “Quân tử chi sĩ, bất dĩ vị tôn vi vinh, nhi dĩ tận chức vi quý”, “Tận chức giả vô tha, chính kỷ cách vật nhi dĩ, trung quân ái dân nhi dĩ.” Ý tứ là nói, sự nghiệp của người quân tử không vinh quang ở chức vị, mà quý ở làm hết sức mình trong chức trách được giao, tận chức trách không vì mình, nghiêm khắc với bản thân, trung quân ái quốc. Trong mông lung dường như luôn có một lực lượng thần bí dẫn dắt, mỗi khi đến một nơi, ông luôn đến các Phật tự Đạo quán để tâm thái trở lại thanh thản, hướng tới các cao tăng đại đức để học thiền vấn đạo. Cảm giác tự nhiên thân thiết như những người bạn cũ ngay từ cái nhìn đầu tiên hăn có liên quan đến trải nghiệm thời kỳ niên thiếu của ông, hoặc có lẽ cũng là nhân duyên nhiều kiếp, ông đã kết giao với rất nhiều tăng nhân và đạo sĩ. Ông và danh tăng Nghiêm Tuấn “mỗi lời đều hợp, dính chặt như sơn”. Ông và đại sư Hi Di của chùa Đông Lâm là những “bạn tham thiền” thường cùng nhau đàm kinh luận đạo. Ông từ lâu đã ngưỡng mộ Lý Hàm Quang (còn được gọi là tiên sinh Huyền Tĩnh), tông sư của phái Thượng Thanh (Mẫu Sơn tông) của Đạo giáo, ngưỡng mộ đức hạnh và sự hiểu biết sâu sắc về những điều huyền bí của ông. Vốn dĩ tâm đặt tại núi rừng, nhưng vì việc của vua không nhàn, thân mang chức trách không thể tự do tự tại, ông đã viết một bức thư bày tỏ thành ý của mình. Quý Hàm Quang bèn sai đệ tử viết thư trả lời, cổ động “chí siêu nhiên” của Nhan Chân Khanh, rằng dù thân ở quan trường, vẫn có thể tiềm tâm ẩn tu.

Thư pháp là phương thức chủ yếu để ông tu thân dưỡng tính, thanh tâm dưỡng thần, bổ sung nguyên khí. Phụ âm bao dương, chính kỳ tương sinh, tung hoành hữu tượng, mây trôi nước chảy. Tâm thủ tương ứng, thư pháp bay bổng. Thư pháp và Đạo tương thông, Đạo và nghệ thuật hợp nhất. Khi còn trẻ, ông đã hai lần từ quan và xin làm đệ tử của nhà thư pháp Trương Húc, Trương Húc dạy ông mười hai bút pháp, còn yêu cầu ông quan sát và thể ngộ về thiên nhiên và cuộc sống, dùng cọ vẽ như dùi để vẽ cát, sao cho mép bị ẩn đi, lực xuyên qua mặt sau của tờ giấy. Đi khắp mọi miền đất nước, ông đã nhìn thấy nhiều bia khắc cổ đại, vừa học tập các danh gia tiền bối, cũng rất chú trọng hấp thụ doanh dưỡng từ dân gian. Nhà thư pháp Hoài Tố đến thăm, Lỗ Công Nhan Chân Khanh nói về bút pháp “ốc lậu ngân” bản thân tự ngộ, Hoài Tố được truyền cảm hứng, kính phục mãi không thôi. Chân Khanh ca ngợi: “Khai thổ Hoài Tố, là người giỏi nhất trong số các nhà sư, khí khái trong sáng, tinh thần tươi sáng.” Hoài Su trở thành một bậc thầy khác về thư pháp chữ thảo sau Zhang Xu.

Nhậm chức ở Phụ Hồ, thành quả to lớn

Trong những năm bị đày xuống Giang Nam, ông rời xa vòng xoáy chính trị của triều đình, những năm Nhĩ Thuận, Nhan Lỗ Công sùng Đạo lễ Phật giáo, yêu sơn thủy, tâm cảnh khoát đạt, cuộc sống trọn vẹn và tự tại. Như đã miêu tả trong tác phẩm “Vịnh đào Uyên Minh” của ông: 

Thủ trì Sơn Hải Kinh, đầu đái lộc tửu cân.
Hưng trục cô vân ngoại, tâm tùy hoàn điểu mẫn

Dịch là
Tay cầm Sơn Hải Kinh, đầu đội khăn lộc tửu.
Đuổi theo mây cô đơn, tâm cùng chim về tổ.

Thời gian dôi ra sau khi hoàn thành công vụ ở Phủ Châu, ông đi thăm những ngọn núi tiên, không tiếc công sức để bảo vệ di tích văn hóa Đạo giáo đương địa, tuyển viết một lượng lớn các bia văn Đạo giáo, chẳng hạn như “Hoa cái sơn vương Quách Nhị Chân Quân Đàn bi minh”, “Ngụy phu nhân tiên đàn bi minh”, “Hoa cô tiên đàn bi minh”, “Kiều tiên quan bi ký”, “Ma cô tiên đàn ký” v.v.

Vào tháng Giêng năm thứ 8 Đại Lý (773), Nhan Chân Khanh nhậm chức thích sử Hồ Châu. Ông tuyển dụng những nhân viên có tài có đức, xử lý các công việc chính vụ một cách có trật tự, giữ cho nội cảnh yên bình. Ông cũng chủ trì biên soạn “Vận Hải kính nguyên”, một cuốn từ điển và sách vần điệu gồm 360 tập, đồng thời triệu tập 58 vị hiền triết tinh anh từ Nho Thích Đạo cùng tham gia. Từ năm 28 tuổi làm giáo thư lang, ông đã viết hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, từng kinh qua chiến loạn, gập ghềnh trắc trở, nó đã đạt đến quy mô khi ông được bổ nhiệm vào Phủ Châu, cuối cùng tại Hồ Châu, ông tìm đến một nhóm lớn bạn bè để giúp ông cắt thừa bổ khuyết, hiệu chỉnh và hoàn thiện những cuốn sách, khiến ông rất vui vẻ thư thái.

Chân dung của Nhan Chân Khanh trong “Tiếu đường trúc tranh họa truyện”. (Phạm vi công cộng)

Trong quá trình biên soạn, ngày càng có nhiều người tụ tập xung quanh Nhan Chân Khanh, bao gồm các văn sĩ Giang Đông, các thuộc lại châu huyện, cư dân miền Bắc, ẩn sĩ tăng nhân và đạo sĩ … dần dần hình thành một vòng tròn văn hóa gần một trăm người. Họ thường dành thời gian bên nhau thi tửu xướng họa, chèo thuyền leo núi, khám phá những nơi hẻo lánh, thưởng trà nghe đàn cầm, nội dung phong phú đa sắc, ai cũng tiêu dao tự tại. Sách “Toàn Đường thi” thu nạp 53 câu đối từ Thi hội Hồ Châu trong những năm Đại Lịch, có thi tăng Hiệu Nhiên, trà thánh Lục Vũ, Tiêu Tồn, Trần Sĩ Tu, Lý Ngạc, Bùi Trừng và các danh tài sĩ khác, đều là đắc lực cốt cán của ông.

Nhan Chân Khanh đã xây dựng một đình trà (Tam Quý đình) cho Lục Vũ ở phía đông nam của chùa Diệu Hỉ trên núi Trữ Sơn, “Lưu hoa tịnh cơ cốt, sơ thược địch tâm nguyên.” Đây là nơi Nhan Chân Khanh và những người bạn của ông nhâm nhi tách trà để thanh tâm trong những đêm trăng sáng. Trong bài “Tặng tăng Hiệu Nhiên”, ông viết: “Ỷ thạch vong thế tình, viên vân đắc chân ý.” (Dựa đá quên thế tình, vin mây được chân ý). Một câu đối khác trong buổi tụ hội, Hiệu Nhiên nói: “Hàn hoa hộ nguyệt sắc, trụy diệp chiêm phong âm.” (Hoa lạnh làm ánh trăng thêm đẹp, lá rơi truyền âm thanh của gió). Nhan Chân Khanh thì nói: “Tư tịch vô trần lự, cao vân cộng phiến tâm.” (Đêm nay không nỗi lo trần thế, mây cao cũng như tấm tâm này)

Rất nhiều vị khách quý đã đến Hồ Châu Nhã Tập, trong đó có tộc thúc của Lý Bạch, bậc thầy chữ triện Lý Dương Băng, đối với tấm bia do Nhan Chân Khanh viết, ông thường được yêu cầu sử dụng chữ triện đề lên tấm bia, được gọi là “song bích”. Ngoài ra còn có Ngô Quân, người từng tiêu diêu ngâm thơ với Lý Bạch ở Diệm Trung, một đạo sĩ nổi tiếng thời Đường. Đường Huyền Tông triệu ông vào triều đình, lệnh chờ chiếu hàn lâm. Ông biết trước thiên hạ sẽ loạn, nên về quy ẩn sơn lâm. Sau khi Ngô Quân liên xướng với mọi người ở Trữ Sơn, ông nói lời tạ từ, Nhan Chân Khanh tổ chức một bữa tiệc tiễn biệt, Hiệu Nhiên trong “Phụng đồng nhan sử quân Chân Khanh thanh phong lâu phú đắc đỗng đình ca tống Ngô luyện sư quy” từng cảm thán: “Ngô hưng thái thủ đạo gia lưu, tiên sư viễn phóng thanh phong lâu”, có thể thấy, Nhan Lỗ Công, người thường xuyên tham thiền tĩnh tọa cùng Hiệu Nhiên, là có nguồn gốc Đạo gia rất thâm.

Di cảo của Ngô Quân do Nhan Chân Khanh chỉnh lý, được cất giấu trong mật phủ, nếu không phải là người rất thân thiết và đáng tin cậy thì làm sao có thể nhận được sự ủy thác quan trọng này?! Trong “Thần tiên khả học luận”, Ngô Quân nhấn mạnh vào tu luyện tâm tính, hành xử cần giữ tâm tĩnh bỏ tâm nóng giận, nhất thiết không thể túng dục, lấy tinh thần an hòa để bảo tinh dưỡng khí, cả bên trong và bên ngoài, thân thể và tinh thần đều vượt trội. Người vì trung hiếu trinh khiêm mà chết, có thể sẽ được tiếp nhận vào tiên giới. 

Vào tháng 8 năm thứ chín Đại Lịch, Trương Chí Hòa, con trai của Huyền Chân, đến trên một chiếc thuyền, kết thành tình bạn bền chặt không thể lay chuyển với Nhan Chân Khanh. “Tây Tắc sơn tiền bạch lộ phi, đào hoa lưu thủy quyết ngư phì. Thanh nhược lạp, lục thoa y, tà phong tế vũ bất tu quy.” (Dịch: Trước núi Tây Tắc có cò bay, hoa đào ngậm nước cá rô béo, nón tre xanh, áo tơi xanh, gió nghiêng mưa phùn chẳng muốn về). Trương Chí Hoa từ quan về nhà câu cá, tu tiên học Đạo, bài thơ “Ngư phụ từ” của ông không chỉ khiến mọi người thỏa lòng thích ý, mà còn cao siêu về hội họa và thổi sáo. Việc ông phiêu diêu trên mặt nước, cưỡi trên lưng hạc còn khiến mọi người tán thán không ngớt.

Trong bầu không khí như vậy, Nhan Chân Khanh học Đạo tu luyện ngay càng tinh thâm, nghệ thuật thư pháp cũng trở nên thành thục. Ông có thuật dưỡng sinh, tuổi đã quá thất thập cổ lai hy mà thần thái vẫn ngời ngời, thân thủ mẫn tiệp.

Trong những năm cuối đời, thư pháp của Nhan Chân Khanh cổ phác và mạnh mẽ, mang tinh thần cao thượng, rộng lớn khoát đạt. Trong ảnh là một phần của “Nhan Cần Lễ Bi” do ông viết năm 71 tuổi. (Ánh: Phạm vi công cộng)

Nhận lệnh lúc lâm nguy, trung hậu và nhân ái

Điều đáng nói là, cuối cùng ông đã hoàn thành tâm nguyện của mình ở Hồ Châu, dựng lên “Thiên hạ phóng sinh trì bi minh” ở phía đông cầu Lạc Đà. Ông đã viết tấm bia này khi được bổ nhiệm làm thích sư Thăng Châu (Nam Kinh) vào năm 759. Đường Túc Tông đã ra lệnh cho thiên hạ các châu xây ao phóng sinh ở 81 nơi, công viên Ô Long Đàm ở Nam Kinh ngày nay chính là một ao còn tồn tại. Trong 15 năm, ông ba lần viết bia văn, hai lần tấu biểu, vì sao ông coi trọng như vậy? Tám năm hỗn chiến trong loạn An Sử, nhân khẩu mất một nữa, sinh linh lầm than, thịnh Đường không còn, vết thương trong nội tâm mọi người khó mà lành miệng. Thật khó để tưởng tượng đối với những người trẻ tuổi chưa từng trải qua sự tàn khốc đẫm máu và tan hoang như vậy. Tội nghiệp thảm sát điên cuồng vô minh ngập trời, thiện cử từ bi của phóng sinh hộ sinh công đức vô lượng, nhân quả luân hồi của Phật giáo là chân thực chứ không hề hư huyễn.

Ông tham gia các nghi thức siêu độ vong linh, tỏ lòng kính trọng tổ tiên, chúc phúc tất cả chúng sinh, viết kinh thư vào đá… Vào năm thứ mười hai lịch Đại Lịch (777), ông trở thành đệ tử Bồ Tát giới của pháp sư Huệ Minh. Ông đã ba lần trình thư xin nghỉ hưu, nhưng không được ân chuẩn.

Vào năm Kiến Trung thứ tư (783), tình trạng hỗn loạn ở các phiên chấn ​​ngày càng kịch liệt, hình thế trở nên bấp bênh. Triều đình cử Nhan Chân Khanh, 75 tuổi, đến doanh trại địch để tuyên chiếu khuyến dụ cho phản tướng Lý Hi Liệt, gian tướng Lô Kỉ bài trừ những ai dị kiến với hắn, Đường Đức Tông cũng đồng ý. Đây chính là đẩy các nguyên lão tứ triều vào hố lửa! Bạn bè khuyên ông đừng đi. Nhan Chân Khanh nói: “Lệnh vua làm sao trốn tránh được!” Ông sớm đã hiểu rõ sinh tử, khi lâm nguy vẫn thản nhiên phó thác cho số phận, kiên định và từ bi. Nhan Chân Khanh vì thế bị giam hai năm, cuối cùng bị treo cổ, nhưng tấm lòng trung trinh lẫm liệt của ông đã cảm động không ít tướng sĩ, do đó đã hạ độc Lý Hi Liệt, dẫn dắt chúng nhân trở về với nhà Đường.

Thần tích huyền thoại

Truyền thuyết về sự hóa tiên của ông lan truyền nhanh chóng từ Trung Nguyên đến Giang Nam, dân chúng nhiều nơi biết ơn công đức của ông, đã xây dựng đền thờ để tỏ lòng thành kính với người trung nghĩa xấu số này, cầu nguyện ông bãi thoát khỏi lưới trần, khổ nạn được an lạc, không ít người kiên định tin rằng ông đã thành Thần.

Thi tăng Hiệu Nhiêu từng giao vãng mật thiết với ông, không chỉ tin rằng Nhan Chân Khanh thuộc “dòng dõi Đạo gia”, mà còn có ấn tượng của những nhà văn sau này như Vương Thế Trinh (1526-1590) rằng “Lỗ Công có tiên thuật”. Từ sự giao vãng của ông với Lý Hàm Quang, Ngô Quân, Trương Chí Hòa và những người khác, có thể thấy được phong thái tiêu diêu của các Đạo sĩ thời nhà Đường, tìm kiếm tiên tích, tuyển viết một lượng lớn các bi văn tu luyện của Đạo giáo, đặc biệt khao khát thần tích cưỡi hạc thăng thiên. “Chí Tấn Huệ Đế Nguyên Khang nhị niên nhị nguyệt nhất nhật, thải vân liên trú, tiên nhạc huyên phong, nhị chân quân nãi tham loan giá hạc, nhiễm nhiễm thượng thăng.” (Dịch là, vào ngày đầu tiên của tháng Hai năm Nguyên Khang thứ hai Tấn Huệ Đế, những đám mây đầy màu sắc kéo dài suốt cả ngày, tiên nhạc huyên náo trong gió, Nhị Chân Quân cưỡi hạc, từ từ bay lên) (“Chữ khắc trên Bàn thờ của Nhị Chân Quân Vương Quách Núi Hoa Hạp”). “Chân Khanh hạnh thừa dư liệt, cảm khắc kim thạch nhi chí chi” (dịch là, Chân Khanh hạnh phúc được kế thừa Dư Liệt, chí tạc vàng vào đá), đây là những lời chân thành của ông ở cuối “Ma cô sơn tiên đàn ký”.

Nhan Chân Khanh tuyển viết một lượng lớn các bia văn về tu luyện Đạo giáo, ông đặc biệt bị mê hoặc bởi thần tích cưỡi hạc thăng thiên. Bức ảnh thể hiện một phần của bức tranh “Tiên Sơn lâu các đồ” của một họa sĩ không rõ tên thời nhà Tống. (Phạm vi công cộng)

Nhan Chân Khanh một đời học tập Nho, Thích, Đạo, vào những thời kỳ khác nhau mà có sự chú trọng khác nhau, có thể thấy qua những thay đổi trong phong cách viết của ông. Học Nho để lập thân, từ Thích giáo mà nhập vào Đạo giáo, Thích giáo và Đạo giáo bổ sung cho nhau, Phật Đạo kiêm tu. Cuối cùng, ông thoát khỏi hồng trần ô trọc, đắc Đạo thành tiên. Hoặc có thể, ông nguyên là thần tiên hạ phàm mang theo một sứ mệnh, rồi lại hồi quy về tiên giới, lưu lại những kinh nghiệm phi phàm và những bức thư pháp Nhan thể làm mẫu mực cho hậu thế.

Vào năm thứ 9 sau khi Nhan Chân Khanh quy tiên, tức là vào ngày 12 tháng 11 năm Trinh Nguyên thứ 10 (794), nhà Đường phát sinh một sự việc thần kỳ khiến cả triều đình và trăm họ. Tạ Tự Nhiên, một nữ đạo sĩ 27 tuổi người Quả Châu (nay là Nam Sung, Tứ Xuyên), tại đạo trường Kim Tuyền mà bạch nhật phi thăng. Đương thời có hàng ngàn người vây quanh để tiễn nữ đạo sĩ, thứ sử Lý Kiên thượng tấu lên triều đình, Đường Đức Tông liền hạ chiếu biểu dương!

Tài liệu tham khảo

《新唐書‧顏真卿傳》,《舊唐書》,《資治通鑑》
朱關田《顏真卿年譜》
吉川忠夫《時事只天知——顏真卿傳》
唐玄宗御注「三經」述評(王雙懷)
唐玄宗注《金剛經》與唐朝三教合一政策的形成(徐新源)
唐代道士吳筠的仙道思想(莊宏誼)
湖州味道|顏真卿的湖州時間軸和朋友圈(上、下)(思葦)
顏真卿記錄的道教史蹟(王宗昱)
唐德宗《敕果州女道士謝自然白日飛升書》

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version