Đại Kỷ Nguyên

ĐIỂM TIN CHIỀU 19/7: Thực hư ‘gà mái đẻ’ không đầu, không nội tạng giá rẻ bán tràn lan ở vỉa hè; 2 thanh tra ủy quyền của Bộ vắng mặt trong buổi quét bài thi

Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 19/7 xin gửi tới quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Thực hư ‘gà mái đẻ’ không đầu, không nội tạng giá rẻ bán ở vỉa hè

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, các đơn vị mua loại gà này ở Hàn Quốc tính ra tiền đồng Việt Nam chưa tới 5.000 đồng/kg.

Mới đây, tại một số chợ gần khu công nghiệp hay một số tuyến đường của quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức (TP.HCM), “gà mái đẻ” được rao bán với giá chỉ 40.000-50.000 đồng/kg.

Những con gà không rõ nguồn gốc được bày bán trên thị trường với giá khá rẻ. (Ảnh: PLO)

Đặc điểm của loại gà này là đã được làm sạch, không đầu, không chân, không có bao bì, nhãn mác và được quảng cáo là thịt dai, ngon. Trọng lượng mỗi con dao động 1,2-1,7 kg/con, theo Pháp Luật TP. HCM.

Theo tìm hiểu, một số tiểu thương cho rằng gà không đầu, không chân là vì được cắt riêng để bán.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, khẳng định với báo chí rằng không có chuyện này, mà bản chất gà thải loại khi nhập về đã không có đầu, chân.

Theo ông Ngọc, khi nhập khẩu thịt gà, nếu nhập nguyên con doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải chịu mức thuế là 40%, nhưng nếu xẻ nhỏ từng bộ phận ra thì thuế nhập khẩu chỉ còn là 20%. Do đó, doanh nghiệp thường cho cắt bỏ đầu, chân để được hưởng thuế suất nhập khẩu 20%.

Những con “gà mái đẻ” được bày bán với mức giá khá rẻ. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Theo một chủ mối phân phối gà công nghiệp và gà ta, thông thường chính những loại gà không đầu, không chân này lại được các quán cơm, phở, cháo ưa chuộng và nhập về làm nguyên liệu bởi giá thành rẻ hơn các loại gà thông thường.

Đúng là, “Tiền nào của nấy” – nhiều người hoài nghi về chất lượng gà không đầu, không chân được gọi là “gà dai Hàn Quốc” đang bán đầy vỉa hè Sài Gòn và một số siêu thị với giá bèo.

2 thanh tra ủy quyền của Bộ vắng mặt trong buổi quét bài thi

Không rõ vô tình hay cố ý, đúng vào lúc Hội đồng thi THPT quốc gia tại Hà Giang tiến hành quét bài thi trắc nghiệm thì 2 thanh tra uỷ quyền của Bộ GD-ĐT là cán bộ Trường ĐH Tân Trào lại tự ý vắng mặt.


Rà soát công tác chấm thi tại Hà Giang. (Ảnh: Thanh Niên)

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết: Năm nay cũng giống năm 2017, Quy chế thi THPT quốc gia quy định mỗi hội đồng thi phải có thanh tra uỷ quyền của Bộ GD-ĐT về cắm chốt ở các địa phương trong quá trình coi thi và chấm thi.

Tuy nhiên, do Bộ GD-ĐT không có đủ người, nên phải trưng dụng cán bộ của các trường đại học, mỗi trường 2 người, để làm nhiệm vụ thanh tra uỷ quyền của Bộ.

Theo sự phân công của Thanh tra Bộ GD-ĐT, Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang có 2 cán bộ tên là Nguyện và Huy được Trường đại học Tân Trào cử lên Hà Giang để thanh tra việc chấm thi tại Hà Giang, với tư cách là thanh tra uỷ quyền của Bộ GD-ĐT.

Được cử lên Hà Giang để thanh tra việc chấm thi nhưng hai cán bộ của Trường ĐH Tân Trào lại vắng mặt không phép từ tối 1/7 đến chiều 2/7.

Cũng theo ông Bằng, 2 cán bộ trên có mặt từ ngày đầu Hà Giang chấm thi, nhưng đến sáng 2/7, các cán bộ này bỏ nhiệm vụ để về Trường đại học Tân Trào, mà theo báo cáo là để dự cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm của một cán bộ lãnh đạo nào đó.

Sở GD-ĐT Hà Giang. (Ảnh: Người lao động)

“Tuy nhiên, các đồng chí không báo cáo Thanh tra Bộ GD – ĐT về việc này, Sở GD-ĐT Hà Giang cũng không cho Thanh tra Bộ biết việc này”, ông Bằng nói.

Đáng chú ý, dù vắng mặt 2 thanh tra uỷ quyền của Bộ, nhưng Ban Chấm thi của Hội đồng thi tỉnh Hà Giang vẫn tiến hành quét bài thi trắc nghiệm.

“Đến khi Hội đồng thi tỉnh Hà Giang xảy ra sự việc như vậy thì tôi yêu cầu các thanh tra uỷ quyền của Bộ trong quá trình chấm thi ở Hà Giang báo cáo về việc giám sát chấm thi có dấu hiệu gì bất thường không, thì lúc đó các đồng chí này mới báo cáo đã vắng mặt sáng 2.7.

Tôi đã yêu cầu các đồng chí này giải trình thì cả 2 cán bộ này đều khẳng định sự vắng mặt này không liên quan gì đến sai phạm trên, mà chỉ về vì cuộc họp của Trường đại học Tân Trào”, ông Bằng nói.

Phân bố điểm thi môn Toán, Lý, Hóa, và Sinh cho cả nước và tỉnh Sơn La. (Ảnh: Zing)

Sau trường hợp sai phạm điểm thi ở Hà Giang, nhiều người đặt câu hỏi với một số trường hợp điểm thi “lạ” của tỉnh Sơn La.

Thống kê điểm thi môn Toán và Vật lý của tình này được cho là có vấn đề so với cả nước.

35 thí sinh điểm cao bất thường ở Lạng Sơn là cảnh sát cơ động

Tổ công tác đã đến Lạng Sơn làm rõ kết quả thi THPT quốc gia 2018, sau nghi vấn điểm cao bất thường của nhóm thí sinh là lính nghĩa vụ.

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn. (Ảnh: Vnexpress)

Trả lời trên tờ VnExpress trưa 19/7, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết đã nắm được danh sách 35 thí sinh điểm cao bất thường ở Hội đồng thi của tỉnh. Họ là những thí sinh tự do của lực lượng công an, thi tại điểm trường THPT chuyên Chu Văn An, TP Lạng Sơn. Do sắp xếp điểm từ cao xuống thấp, danh sách được chia sẻ trên mạng chỉ là trang đầu tiên.

Ông Thiệu thông tin thêm, khi thi thử nhóm thí sinh này đều đạt kết quả tốt, vì đã thuê giáo viên trường chuyên về giảng dạy. “Đơn vị quản lý thí sinh rất quan tâm, tạo điều kiện cho các em ôn luyện tốt. Bản thân các em là những người đi nghĩa vụ nên có quyết tâm rất cao”, ông nói.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một buổi chiều thư giãn!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version