Đại Kỷ Nguyên

ĐIỂM TIN CHIỀU 12/8: Khả năng Việt Nam có bản quyền ASIAD 2018 trước khi U23 đá trận mở màn, Đêm nay sẽ có mưa sao băng Perseids đẹp nhất năm

Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 12/8 xin gửi tới quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Khả năng Việt Nam có bản quyền ASIAD 2018 trước khi U23 đá trận mở màn

Có khả năng bản quyền phát sóng ASIAD 2018 sẽ được công bố ngay trước trận mở màn của đội tuyển Olympic Việt Nam gặp Olympic Pakistan vào ngày 14/8, theo Báo Người Lao Động.

Nhiều khả năng Việt Nam có bản quyền truyền hình ASIAD 2018 để người hâm mộ xem trực tiếp U23 Việt Nam thi đấu. (Ảnh: Dân Trí)

Tính đến ngày 11/8, trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ Châu Á, chỉ còn duy nhất Việt Nam chưa mua được bản quyền phát sóng ASIAD 2018 vì giá quá cao. Song, Người Lao Động dẫn nguồn tin từ giới truyền hình cho biết, khả năng người hâm mộ sẽ vỡ òa vui mừng khi nhà đài trong nước mua được bản quyền ở phút chót, như từng mua bản quyền World Cup 2018 hồi đầu tháng 6.

20 cầu thủ U23 Việt Nam tham dự ASIAD 2018. (Ảnh: Vietnamnet)

Theo đó, đơn vị sở hữu bản quyền nhiều khả năng vẫn là VTV, trước đó, đơn vị này cho biết khó mua được vì KJSM Corp – đơn vị nắm giữ bản quyền đưa ra mức giá quá cao.

Báo An Ninh Thủ Đô đưa tin, hãng Vidio – đơn vị nắm bản quyền truyền hình ASIAD 2018 của nước chủ nhà Indonesia đang phát sóng miễn phí các môn thi đấu, trong đó có môn bóng đá.

Ngày 10/8, người hâm mộ được xem miễn phí trực tiếp trận Lào – Hong Kong trên website của Vidio thông qua các thiết bị có kết nối internet. (Ảnh chụp màn hình)

Điều này mở ra cơ hội cho người hâm mộ ở các quốc gia chưa có bản quyền truyền hình như Việt Nam có thể xem trực tiếp qua internet.

Tuy nhiên, kênh tiếp cận này cũng có hạn chế, khi có nhiều trận đấu, môn thi hấp dẫn diễn ra cùng lúc thì Vidio sẽ chỉ chọn một vài sự kiện hấp dẫn để phát trực tiếp.

Chiều qua (11/8) thầy trò HLV Park Hang-seo đã đến Cikarang của Indonesia để bắt đầu cho hành trình tranh tài ở ASIAD 2018. Olympic Việt Nam đã mất hơn 10 giờ di chuyển và chờ đợi mới đến được Indonesia.

HLV Park Hang-seo cùng đội Olympic Việt Nam đến Indonesia chiều 11/8. (Ảnh: Người Lao Động)

Theo ban huấn luyện, các cầu thủ cần phải đặt mục tiêu giành trọn 6 điểm trước Pakistan và Nepal để quyết tranh ngôi đầu với Nhật Bản. Nếu đứng thứ hai bảng D, Olympic Việt Nam có nguy cơ đối mặt với đương kim vô địch Olympic Hàn Quốc ở vòng 1/8 đội.

Olympic Việt Nam trước giờ lên máy bay dự Asiad 2018. (Video: Vietnamnet)

Mưa sao băng Perseids sẽ đạt cực điểm vào đêm 12 rạng sáng 13/8 với tần suất ước tính khoảng 100 vệt mỗi giờ.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho Dân Việt biết, rạng sáng 13/8, mọi người có thể thấy chòm sao Perseus khi nhìn lên bầu trời Đông Bắc, với góc nhìn 30-50 độ tính từ mặt đất.

Mưa sao băng Perseids thường xuất hiện trên bầu trời mỗi năm 1 lần từ 23/7-22/8. Đây là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất năm cùng với mưa sao băng Geminids.

Mưa sao băng Perseid năm 2017 được chụp với kỹ thuật để thời gian phơi sáng dài tạo hiệu ứng vệt sáng kỳ ảo. (Ảnh: Người Lao Động)

Để chiêm ngưỡng trọn vẹn Perseids, người xem không cần sử dụng ống nhòm hay kính thiên văn, mà quan sát bằng mắt thường. Chọn một không gian quang đãng và vắng lặng, ít bị cây cối hay các tòa nhà cao tầng che khuất.

Sinh vật lạ ở biển Kiên Giang lên báo nước ngoài, khiến cư dân mạng xôn xao bàn tán

Sinh vật lạ mới phát hiện ở Kiên Giang với nhiều xúc tu ngoe nguẩy không chỉ khiến cư dân mạng bàn tán xôn xao, mà báo chí nước ngoài cũng bối rối vì chưa biết gọi tên chúng thế nào cho đúng.

Sinh vật kỳ lạ màu nâu đỏ với nhiều xúc tu liên tục ngoe nguẩy. (Video: Dailymail)

Trang tin Dailymail của Anh mới đây đăng tải video ngắn ghi lại hình ảnh một sinh vật kỳ lạ không rõ danh tính và thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả quốc tế.

Sinh vật kỳ lạ được tìm thấy trên bãi biển tỉnh Kiên Giang, Việt Nam vào tháng trước bởi một hướng dẫn viên du lịch tên Du Nam Du.

Hướng dẫn viên này đã đặt sinh vật nói trên lên một chiếc bàn màu xanh và nó liên tục ngoe nguẩy. “Tôi không rõ nó là động vật hay thực vật nữa”, Du Nam Du cho hay.

Từng bắt gặp sinh vật này, một tài khoản có tên Trương Mạnh Hà cho biết: “Ở ngoài biển Trường Sa rất nhiều mà chính tôi đã được nghịch trên đảo Núi Le”.

Hiện chưa rõ loài sinh vật này thực chất là gì. (Ảnh cắt từ video)

Tương tự, một cư dân mạng khác khẳng định từng bắt gặp sinh vật này: “Loại này đã từng câu được cách đây mấy tháng ở ngoài rìa Hòn Thơm, Phú Quốc. Đưa lên vỏ thấy xúc tu ngo ngoe liên tục, màu vàng cát, đường kính khoảng 40cm, có miệng ở tâm, câu được bằng mồi mực, mùi tanh như san hô sống, khả năng là một loại sao biển”.

Trong khi đó một tài khoản có tên Nguyễn Hân cho biết: Đây là “sao biển rổ”, tên tiếng Anh là Basket Stars, hay còn được gọi là Shetland Argus. Với người dân thì lạ vì rất hiếm khi thấy nó, nhưng nó đã được các nhà khoa học phát hiện và nghiên cứu từ lâu rồi. Vậy nên thả nó về biển là hợp lý, vì rõ ràng để nó ở môi trường trên cạn đã làm cho các bộ phận của nó phải hoạt động liên tục như trong clip.

Một bộ phân cư dân mạng cũng tỏ ra tiếc nuối khi sinh vật này đã được thả về biển thay vì trao cho Viện Hải dương học nghiên cứu.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một buổi chiều thư giãn!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News 

Exit mobile version