Đại Kỷ Nguyên

ĐIỂM TIN CHIỀU 12/10: Học sinh tiểu học Sập Xa – Sơn La đu cáp treo tự chế vượt suối, 200 cây dược liệu ở Hà Nội bị chặt phá trong đêm

Điểm tin chiều 12/10. (Ảnh: Tổng hợp)

Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 12/10 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Học sinh tiểu học Sập Xa – Sơn La đu cáp treo tự chế vượt suối

Video một số học sinh trường Tiểu học Sập Xa (huyện Phù Yên, Sơn La) đu cáp treo tự chế qua suối được cộng đồng mạng chia sẻ kèm theo bình luận.

Ngày 1/10, mạng xã hội Facebook xuất hiện video ghi lại cảnh 2 học sinh mặc áo trắng đồng phục ngồi chông chênh trên chiếc cáp treo tự chế để qua dòng suối mênh mông nước. Video được anh Nguyễn Trọng Kiên ghi trên đường đi làm về.

Theo anh Kiên, hai em nhỏ mặc đồng phục áo trắng trong video là học sinh Tiểu học Sập Xa (xã Sập Xa, huyện Phù Yên). Hằng ngày, các em vẫn đi – về bằng cáp treo.

Chiếc cáp treo này được một số người dân làm rất đơn giản, dây cáp bằng thép được căng qua suối và cố định ở hai bên bờ. Một cái giá bằng sắt có bánh xe để lăn trên dây cáp, còn có một dây thừng căng song song cùng với dây cáp để giúp người đu tự qua suối. Hằng ngày, có vài học sinh đến trường phải đu cáp treo này.

Theo anh Kiên, nếu không có cáp treo, học sinh ở huyện Bắc Yên có thể đi đường vòng qua cầu hay đi đường mòn, xa hàng chục cây số để sang học nhờ tại Tiểu học Sập Xa. Bởi vậy, dân ở đây tự làm cáp để con em họ đi học nhanh hơn.

Hà Nội: 200 cây dược liệu ở Vạn Phúc bị chặt phá trong đêm

Vườn cây sachi của gia đình bà Oanh ở Thanh Trì (Hà Nội) gần đến ngày thu hoạch thì bị kẻ xấu lợi dụng đêm tối lẻn vào chặt tận gốc.

Cách đây nửa tháng, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Oanh ở thôn 3 (xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) có vườn hơn 200 gốc cây sachi đang độ ra hoa kết quả thì bị người lạ lẻn vào trong đêm cắt gốc, chết hàng loạt.

Hơn 200 cây sachi sắp đến ngày thu hoạch của bà Oanh bị chặt gốc, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. (Ảnh cắt từ video VnExpress)

Bà Oanh chia sẻ với Báo Dân Trí, sau 8 tháng chăm sóc, vườn sachi bắt đầu cho ra quả để thu hoạch, có giá trị hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau 1 đêm, cả vườn có 203 gốc cây thì bị chặt đứt 201 gốc. Do đó, bà phải dùng nhiều biện pháp kỹ thuật để cứu chữa, chăm sóc cây nẩy mầm.

Từ những gốc cây bị chặt hạ, bà Oanh vẫn nuôi nuôi hy vọng phát triển thành cây như cũ sau 7-8 tháng. (Ảnh: Dân Trí)

Gia đình bà Oanh đang trồng thử nghiệm giống cây sachi ở Hà Nội. Trước đây, cây chỉ được trồng nhiều ở Tây Nguyên. Nếu sau loạt cây này thành công sẽ nhân giống, mở rộng diện tích trồng trong xã.

Theo người phụ nữ này, người làm thuê cho gia đình bà đều ở địa phương, sống ôn hòa, nên sự việc xảy ra khiến bà choáng váng, sững sờ.

Quả sachi được bán với giá 400.000 đồng/kg, có giá trị kinh tế cao. (Ảnh cắt từ video VnExpress)

Bà Oanh sau đó đã trình báo chính quyền địa phương, vụ việc đến nay vẫn đang điều tra.

Theo VnExpress, sachi là cây có giá trị kinh tế cao, quả khi thu hoạch được bán với giá 400.000 đồng/kg. Dầu cây chứa có nhiều chất có lợi như Omega 3… còn lá dùng làm trà tác động tiêu độc, giảm mỡ.

Lâm Đồng: Khai thác cát dưới sông Đạ Dâng, phát hiện gần 55 m3 gỗ sao đen

Trong lúc khai thác cát dưới sông Đạ Dâng (Lâm Đồng) các công nhân đã phát hiện gần 55 m3 gỗ sao đen. Hạt kiểm lâm nhận định, số gỗ này có thể bị lũ cuốn dồn về cách đây hàng chục năm.

Báo Dân Việt đưa tin, ngày 11/10, Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã tiếp nhận 54,82 m3 gỗ sao đen (thuộc nhóm II) dưới lòng sông Đạ Dâng (xã Đan Phượng).

51 lóng gỗ bị bùn đất vùi lấp dưới lòng sông đã được trục vớt, đưa lên mặt đất.

Theo lãnh đạo xã Đan Phượng, khi công nhân của Công ty Quốc Định khai thác cát đã tạo ra hố sâu giữa lòng sông. Sau nhiều trận mưa lớn, các lóng gỗ không rõ nguồn gốc đã trôi và tụ lại đây.

Sau khi phát hiện, công ty đã báo cơ quan chức năng đến lập biên bản, thu hồi, định giá và xung vào công quỹ. Giá trị của số gỗ trên được xác định khoảng hơn 500 triệu đồng.

Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cho TTXVN biết, hiện không rõ số gỗ sao đen từ đâu xuất hiện dưới lòng sông Đạ Dâng. Tuy nhiên, nhiều khả năng gỗ bị lũ cuốn dồn về cách đây hàng chục năm.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version