Mỗi ngày những người cận tử sẽ phải nếm trải thời gian trôi đi với vô vàn cảm xúc hỗn tạp: lo lắng, hoang mang, tiếc nuối, sợ hãi…ở mức độ dữ dội nhất. Điểm đến của cuộc đời cũng kể về một hành trình như thế và từ đó ta hiểu thêm về những điều thực sự ý nghĩa trong cuộc sống này.
Điểm đến của cuộc đời kể lại một hành trình không thể nào quên cùng những người cận tử. Dấn thân vào “một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hy vọng khôn nguôi, tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất”, tác giả muốn đi tìm câu trả lời cho thôi thúc nội tâm: ta nên ứng xử thế nào trước cái chết, và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?
Những số phận được kể trong cuốn sách, dù đang ở tầng bậc tột cùng của nỗi đau đớn, lại cho thấy những điều đẹp đẽ đến mức khiến ta nghẹn ngào: bản lĩnh để đi qua bi kịch khó diễn đạt bằng lời, thái độ bình tĩnh của con người tự do trước cái chết, khao khát làm việc có ích, trỗi dậy vào những ngày tháng cuối cùng. Đồng hành với họ, ta thấy biết ơn, hạnh phúc và giàu có.
Gấp lại cuốn sách, ta có thể được rất nhiều: một nhận thức thấm thía về sự hữu hạn của con người, một thái độ điềm tĩnh trước điểm kết, lòng trân trọng cuộc sống, để từ đó bắt đầu rời xa những phù phiếm ồn ào, sắp xếp lại các ưu tiên, tập trung vào những điều cốt lõi khiến cuộc sống có ý nghĩa.
Cuốn sách là câu chuyện về cả một hành trình dũng cảm, tràn đầy tính nhân văn và sức lay động tâm hồn.
Những trích đoạn ý nghĩa và sâu sắc trong cuốn sách:
“Nhiều người đã liên lạc với tôi trong những giờ phút hoang mang nhất, khủng khiếp nhất. Việc được họ tin tưởng, hỏi ý kiến, hoặc chỉ chia sẻ cho nhẹ lòng, mang tới cho tôi một niềm vui đặc biệt, một sự giàu có hiếm trải qua, một cảm giác đầy đủ sâu sắc. Tôi cảm thấy may mắn, ân huệ và hạnh phúc bởi sự gắn kết mang tính con người này. Tôi đã được ở cạnh họ trong những giây phút riêng tư nhất của họ, khi chức vụ, danh tiếng, sắc đẹp không còn ý nghĩa gì cả, khi điều họ hướng tới chỉ là câu hỏi họ đã đi qua cuộc đời này thế nào, và họ sẽ từ giã nó ra sao.”
“Khi viết những dòng này, tôi cảm thấy bình tĩnh trước ý nghĩ về cái chết của chính bản thân. Với tôi, Liên quả thật là một chiến binh quả cảm. Liên đã là một chiến binh quả cảm, giờ đây tôi phải nói về cô ở thời quá khứ. Nhưng không phải chỉ là vì cô vừa chạy hóa trị vừa làm luận án, hay vì cô kiên cường tập đi, mà vì cô đã nhìn thẳng vào cái chết, với tất cả sự bình thản, và cả hài hước nữa.
Cô đã là một con người tự do.
Nếu cô gái bé nhỏ này đã có thể tới gặp cái chết một cách đàng hoàng như vậy, lẽ nào tôi không làm được như cô?”.
Tác giả của cuốn sách – Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Anh tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna (Áo) và hiện sống và làm việc tại Việt Nam. Đặng Hoàng Giang cũng là tác giả của hai cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can và Thiện, Ác và Smartphone cùng nhiều bài viết có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội. |
Như Quỳnh