Đại Kỷ Nguyên

Đến phố sách chỉ để check in: Có cần phải xin thêm dự án?

Sau 7 tháng đi vào hoạt động, phố sách Hà Nội không đạt được hiệu quả như đã đề ra. Hiện tại, con phố chỉ là địa điểm ưa thích để các bạn trẻ đến chụp ảnh, “check in”

Nhằm cung cấp một không gian văn hoá, diện tích riêng dành cho độc giả, tổ chức các gian hàng sách gắn với các hoạt động giao lưu, toạ đàm, giới thiệu sách, Hà Nội đã xây dựng phố sách tại đường 19/12 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau một thời gian xây dựng, tháng 5/2017 phố sách chính thức được đưa vào hoạt động.


Phố sách hồi mới khai trường đã thu hút đông đảo bạn đọc đến thăm quan và mua sách.


Hình ảnh đối lập sau vài tháng phố đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, sau 7 tháng đi vào hoạt động, phố sách lại không đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong ba tháng đầu, sự mới mẻ của phố sách đã thu hút nhiều người đến, điều đó giúp cho công việc kinh doanh của các gian hàng ở đây khá thuận lợi. Thời gian về sau, lượng người đến đây ngày một hạn chế, nhiều gian hàng sách vắng bóng người. Thỉnh thoảng có một số người đến đây nhưng với mục đích là để tham quan, chụp ảnh kỷ niệm.


Nhiều gian hàng tại đây dù được trang trí bắt mắt, áp dụng các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng nhưng đều không có hiệu quả.

Ngày 27/12, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books đã gửi đề xuất mô hình quản lý phố sách đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đánh giá chủ quan của Alpha Books, hiện nay phố sách chưa thực sự có đơn vị hay ban quản lý điều hành đúng nghĩa. Vì vậy, Alpha Books đề xuất thành lập công ty phố sách Hà Nội theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận nhằm phối hợp tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc bao gồm chuỗi sự kiện, giao lưu tác giả – tác phẩm, triển lãm…


Ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books.

Đại diện Nhà xuất bản Phụ Nữ, bà Khúc Thị Hoa Phượng cũng đề xuất cơ sở vật chất cần được đầu tư bài bản như hoàn thiện sân khấu trung tâm và trang bị đầy đủ mái che, phông màn, bàn ghế, âm thanh, ánh sáng… xây dựng các điểm nhấn trang trí phố sách để thu hút giới trẻ, địa điểm để tác giả, độc giả giao lưu. Bà Phượng cũng cho biết thêm: ” Về thực trạng phố sách hiện nay, rất ít người đến phố sách để mua, đọc sách, giao lưu mà chỉ có thanh niên đến chụp ảnh là chủ yếu. Những tháng đầu chúng tôi hào hứng bao nhiêu thì nay nản bấy nhiêu. Doanh thu của chúng tôi ở đây sụt giảm khoảng một phần ba”.

Bà Trần Phương Thảo – Phó tổng giám đốc điều hành Thái Hà books chia sẻ: “Đơn vị nào tổ chức sự kiện tại phố sách thì phải thuê âm thanh, loa đài, sân khấu, bàn ghế… hết khoảng bảy triệu đồng. Trong khi trung bình xuất bản được 2.000 cuốn sách lần đầu sẽ hòa vốn, lần tái bản sau mới lãi được bốn triệu. Các đơn vị lấy đâu ra tiền tổ chức sự kiện”.

Bên cạnh các hoạt động quản lý, cần xây dựng các hoạt động khuyến đọc và các dự án liên quan đến sách như tổ chức bình chọn và trao giải thưởng sách quốc gia tại phố sách, khuyến khích học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố có các dự án cộng đồng liên quan đến sách và phát triển phố sách, đồng thời tôn vinh tập thể và cá nhân có ý tưởng sáng tạo để phát triển văn hóa đọc thủ đô.

Huyền Hương

Exit mobile version