Đại Kỷ Nguyên

Dân số Hà Nội năm 2020 tăng chạm mốc dự kiến 2050

Hà Nội đất chật người đông. (Ảnh: Autodaily)

UB Pháp luật của Quốc hội cho biết, đến năm 2020, dân số Hà Nội sẽ đạt gần 10,5 triệu người, kéo theo nhiều vấn đề xã hội liên quan cần xử lý.

Báo cáo kết quả giám sát thực hiện luật Thủ đô, UB Pháp luật của Quốc hội cho biết, đến năm 2020, dân số Hà Nội sẽ đạt gần 10,5 triệu người, gần bằng mức dự báo đến năm 2050 đưa ra trước đó. Mức tăng dân số trung bình 3%/năm vượt quá xa so với dự kiến, theo báo Dân Trí.

Hà Nội đang đối mặt với rất nhiều vấn đề xã hội do việc tăng dân số vượt quá mức dự tính. (Ảnh: Dân Trí)

Kết quả giám sát cho thấy quy mô dân số tăng quá nhanh, vượt xa dự kiến trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô.

Báo cáo nêu rõ, mặc dù quy hoạch chung xây dựng thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số tăng khoảng 7,3-7,9 triệu người nhưng đến năm 2017, theo báo cáo của Chính phủ, dân số Hà Nội đã trên 9,6 triệu người (lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030).

Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm thì đến năm 2020 dân số ước tính sẽ xấp xỉ 10,5 triệu người (gần bằng dân số dự báo đến năm 2050), vượt quá xa so với dự kiến.

UB Pháp luật cho rằng, điều này cho thấy việc quản lý dân cư với quy mô dân số theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô chưa bám sát được mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Cơ quan giám sát đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý và trình cấp có thẩm quyền để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật Thủ đô; trách nhiệm trong việc chậm thực hiện các quy định về di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành; trách nhiệm trong công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch chi tiết với thời hạn hoàn thành chậm nhất là tháng 3/2019.

Chung cư cao tầng tiếp tục mọc trong nội đô

Chung cư cao tầng. (Ảnh: Chungcuvip)

Cơ quan giám sát nhận xét, dân số cơ học tăng nhanh ở cả nội thành và ngoại thành. Việc kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học tại khu vực nội đô lịch sử chưa đạt được các yêu cầu đã đặt ra theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013, tổng số dân số của 4 quận nội đô lịch sử (bao gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) là 970.000 người; năm 2014, dân số là 1,09 triệu người (tỷ lệ tăng dân số đạt 113,21%) và đến năm 2017, con số này lên tới 1,13 triệu người (tỷ lệ tăng dân số đạt 117,33%).

Dân số ở các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh tăng đều hàng năm và vượt quy hoạch. Đến năm 2017, tổng số dân số trung bình của các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh là khoảng 3,58 triệu người, vượt quá quy hoạch cho phép khoảng 1,88 triệu người.

Mức tăng dân số mạnh nhất là ở những quận có các khu đô thị mới. Thống kê cho thấy, số lượng người nhập cư vào các quận Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân là khá cao, năm 2013 là 33.900 người, đến năm 2017 là 78.100 người.

Trước tình trạng quá tải về hạ tầng do các chung cư cao tầng mọc lên quá nhiều ở khu vực nội đô, Văn Phòng Chính phủ đã có công văn số 3585 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu thực hiện giải pháp không tiếp tục phát triển chung cư, căn hộ nhà cao tầng ở khu vực trung tâm của các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. HCM, theo VTV News.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng thay vì xây dựng quá nhiều nhà cao tầng ở khu vực lõi của thành phố cần triển khai các giải pháp phát triển những khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư và lực lượng lao động, giảm tải áp lực cho các thành phố.

Các chuyên gia cho rằng việc quy hoạch nội đô là một bài toán khó. Tuy nhiên, việc quản lý và triển khai quy hoạch còn khó hơn nhiều, đòi hỏi năng lực của các cấp chính quyền cần được nâng cao, tránh tình trạng quy hoạch chỉ mãi nằm trên giấy.

Hoàng Kỳ (tổng hợp)

Exit mobile version