Đại Kỷ Nguyên

Đại biểu Quốc hội đề xuất sửa đổi cách tính thuế để giảm giá ô tô trong nước

Ô tô nhập khẩu đang lấn át xe trong nước. (Ảnh: Vietnamnet)

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình đánh giá so với các nước trong khu vực và thế giới, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém, khâu sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, bất lợi do áp lực cạnh tranh từ xe nhập khẩu.

Tại phiên thảo luận chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, kế hoạch năm 2019.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đánh giá ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam trong những năm gần đây có sự chuyển biến và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô trong nước bước đầu cho thấy hiệu quả mang lại rất lớn, đặc biệt là giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách.

Ông Bình dẫn ví dụ, riêng ô tô Trường Hải tại tỉnh Quảng Nam đã tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động, đóng góp cho ngân sách năm 2017 hơn 12.000 tỷ đồng, đồng thời góp phần thu hút công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, vị đại biểu này đánh giá, so với các nước trong khu vực và thế giới, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam còn nhiều yếu kém, vẫn còn ở mức lắp ráp đơn giản. Khâu sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, bất lợi do áp lực cạnh tranh từ xe nhập khẩu.

Riêng về giá xe trong nước, ông Bình dẫn báo cáo của Bộ Công Thương cho biết nguyên nhân khiến giá ô tô trong nước cao là do thuế, phí cao và công suất sản xuất thấp hơn nhiều so với thiết kế.

Trong khi đó, ô tô nhập nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN được hưởng thuế 0% không ngừng đổ bộ về Việt Nam.

Trước thực trạng này, vị đại biểu cho rằng cần thiết phải bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước. Ông đề xuất Chính phủ, Quốc hội sớm xem xét sửa đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Theo ông Bình, chính sách thuế này sẽ giúp ngành sản xuất ô tô trong nước giải quyết được một số vấn đề lớn như giá thành ô tô sản xuất trong nước giảm, người tiêu dùng trong nước được mua xe giá rẻ hơn và tăng cường khả năng cạnh tranh cho ô tô sản xuất trong nước với xe nhập khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước sẽ ưu tiên đẩy mạnh việc nội địa hóa, giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi theo chiến lược của nhà nước.

Đồng thời với việc ưu tiên nội địa hóa sẽ đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo điều kiện cho ngành ô tô phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 9, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam đạt 11.507 chiếc, cao nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay. Số lượng xe nhập khẩu vẫn đang tràn về nhiều, trong đó chiếm số lượng lớn là xe nhập từ Indonesia và Thái Lan, vì được hưởng thuế 0%.

Giá xe nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan đang thấp nhất hiện nay. Trong tháng 9, giá trung bình của xe nhập khẩu từ Indonesia là 16,5 nghìn USD (tương đương 379 triệu đồng), còn mức giá trung bình của xe nhập khẩu từ Thái Lan là 20,5 nghìn USD (471 triệu đồng), thấp nhất trong các nước có xe nhập về Việt Nam.

Theo Vietnamnet, hiện nhiều mẫu ô tô nhập khẩu có giá bán ngang bằng xe trong nước. Đơn cử như mẫu Wigo của Toyota có giá bán từ 345-405 triệu đồng, hay các mẫu xe của Mitsubishi như Attrage, Mirage mới được giảm xuống còn 351-396 triệu đồng, cùng nằm trong khoảng giá của Kia Morning và Hyundai i10 sản xuất lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, một số mẫu xe nhập khẩu khác như Toyota Rush có giá 668 triệu đồng, hay Mitsubishi Xpander có giá từ 550-620 triệu đồng, cũng ngang bằng với một số mẫu xe lắp ráp trong nước của Ford, Hyundai Thành Công, Trường Hải… Giá bán cạnh tranh đã góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng cho xe nhập khẩu trong thời gian qua.

Dự báo trong những tháng cuối năm, các mẫu xe nhập khẩu như Toyota Wigo, Rush, Mitsubishi Xpander, Ford Everest… sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số bán và góp phần tăng thị phần xe nhập khẩu tại Việt Nam.

Trong khi đó, xe sản xuất lắp ráp trong nước được cho sẽ gặp bất lợi khi cạnh tranh với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc hưởng thuế 0%. Các doanh nghiệp dự báo, nếu xe nhập khẩu tràn vào nhiều, giá sẽ còn giảm nữa và xe sản xuất lắp ráp trong nước khó có thể cạnh tranh bởi giá thành cao hơn khoảng 10-15%.

Bộ Công Thương ước tính sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp của các doanh nghiệp trong nước năm 2018 sẽ đạt khoảng 235.000 xe, giảm 1,3% so với năm trước. Nếu xe nhập tràn vào với số lượng lớn cùng mức giá rẻ hơn, doanh nghiệp ô tô trong nước chắc chắn sẽ gặp khó.

(Tổng hợp)

Exit mobile version