Đại Kỷ Nguyên

Đã xác minh được nguồn gốc cây cổ thụ thứ 3

Cây cổ thụ thứ 3 có đường kính nhỏ nhất, được khai thác tại xã Ea Đah. (Ảnh: Người Lao Động)

Lực lượng kiểm lâm đã xác định được nguồn gốc cây “quái thú” thứ 3 đang tạm giữ ở Huế. Dù đã làm rõ được “lý lịch” của cây,  chủ “quái thú” vẫn bị xử phạt vì hành vi di chuyển cây không có xác nhận của chính quyền.

Tối qua (9/3), ông Đỗ Quang Tùng – quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) cho biết, lực lượng kiểm lâm đã xác định được nguồn gốc cây cổ thụ còn lại đang tạm giữ ở Huế, theo Người Lao Động.

“Nhưng trên đường di chuyển cây không có xác nhận của chính quyền địa phương nên sẽ xử phạt theo quy định”, ông Tùng nói.

Theo ông Bùi Tiến Hoàng – Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk), chiều qua đơn vị đã đưa chủ cây – ông Kiều Văn Chương về Đắk Lắk xác định nguồn gốc cây “quái thú” thứ 3.

Lực lượng kiểm lâm đi theo mô tả của chủ cây xác định được cây đa cổ thụ khai thác tại xã Ea Đah chứ không phải nằm trên xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) như trong hồ sơ.

Theo ông Hoàng, cây đa sộp nằm trên đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Điệp (thôn Xuân Nguyên, xã Ea Đah, huyện Krông Năng). Đại diện chính quyền thông tin trước đó ông Điệp có lên xin bứng một cây đa cổ thụ sắp đổ vào nhà nhưng xã không xác nhận.

“Phía chính quyền cũng giải thích không khuyến khích nhưng không cấm, còn quyền bứng nhổ cây trong vườn là quyền của dân”, ông Hoàng cho hay. Song việc mua bán cây này đã được ông Chương và ông Điệp thỏa thuận với nhau, không có ý kiến của chính quyền địa phương.

Tại hiện trường, Hạt Kiểm lâm thấy có dấu vết của việc khai thác cây trên đất, phần đất này đã được san lấp để trồng cây khác, theo Dân Trí.

Hiện trường còn sót lại sau khi khai thác cây “khủng”. (Ảnh: Dân Trí)

Sáng qua, kiểm lâm Huế đã xác định, 2 trong 3 cây “quái thú” bị tạm giữ có nguồn gốc rõ ràng nên được “phóng thích”, trao trả lại cho chủ cây. Tuy nhiên, đối với chủ cây, việc di chuyển 2 “quái thú” này đi đâu và bằng cách nào là việc không dễ dàng.

Hiện, ông Chương vẫn chưa lên tiếng sẽ chuyển những cây khủng này về “quê” chúng ở Tây Nguyên hay tiếp tục hành trình “dâng chùa”, tặng người quen hoặc đến một nơi bí ẩn nào khác. Bên cạnh đó, chưa biết chủ cây sẽ làm cách nào để vận chuyển “quái thú” khi những chiêu chuyển “hàng độc” trước đây đã bị lộ.

Thế Tam

Exit mobile version