Đại Kỷ Nguyên

Đà Nẵng sẽ thí điểm dịch vụ cho thuê ‘xe đạp công nghệ’

Mẫu xe được đề xuất để làm dịch vụ công cộng. (Ảnh: Sở GTVT Đà Nẵng/VnExpress)

Để giảm ùn tắc ở khu vực trung tâm, Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng đang xúc tiến nghiên cứu dự án thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng.

Ngày 24/6, Báo Đà Nẵng đưa tin, Sở Giao thông vận tải đang chuẩn bị thực hiện thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố gồm các quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà.

Theo đó, vào giai đoạn đầu thành phố sẽ có 30 đến 40 điểm đặt xe. Mỗi điểm đặt 5 đến 10 xe tuỳ thuộc vào nhu cầu. Trong đó ưu tiên vị trí đặt tại các tuyến đường trọng điểm, gần trạm chờ xe buýt để kết nối với hệ thống giao thông công cộng, các điểm du lịch…

VnExpress thông tin, các trục đường Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại sẽ được ưu tiên xây dựng hạ tầng, làm đường dành riêng cho xe đạp.

Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, theo dự báo của các chuyên gia giao thông, với tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân ngày càng cao (ô tô tăng bình quân 12%/ năm, xe máy 10.5%/ năm), giai đoạn 2016 – 2020 tại Đà Nẵng xuất hiện ùn tắc giao thông, sau năm 2020 gia tăng nhanh chóng và sẽ trở nên nghiêm trọng nếu TP không có các chính sách phát triển, quản lý giao thông bền vững.

Do vậy, để kiểm soát hạn chế gia tăng phương tiện cơ giới cá nhân, Sở GTVT Đà Nẵng đang xúc tiến nghiên cứu dự án “Thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm TP” nhằm cung cấp một loại hình giao thông giá rẻ và thuận tiện.

Bản đồ phân bố nhu cầu sử dụng phương tiện xe đạp để di chuyển của du khách khi đến du lịch ở thành phố. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Người dùng sau khi tải ứng dụng về sẽ sử dụng quét QR code mở khóa xe đạp để sử dụng. Cước phí thanh toán tương ứng với thời gian sử dụng (tính theo giờ, theo ngày hoặc theo tháng).

Khách hàng có thể chọn lựa thanh toán online trên ứng dụng thông qua ví điện tử hoặc thanh toán bằng tiền mặt tại các trạm hỗ trợ dịch vụ; trả xe ngay tại trạm hoặc ở nơi được phép để xe đạp (thu thêm phí gom xe ngoài trạm).

Ngành giao thông cho biết dự án trên được quyết định sau khi đã khảo sát mô hình xe đạp từ các nước phát triển và tham vấn nhiều đơn vị.

Theo báo Pháp Luật, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, dịch vụ xe đạp công cộng hiện nay chưa được đánh giá cao, nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ này không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thiếu tính hấp dẫn bởi điều kiện hạ tầng giao thông, thời tiết nắng nóng, mưa thì ngập đường.

Hơn nữa, người dân không dễ dàng từ bỏ xe máy sang đi xe đạp công cộng vì yếu tố tâm lý sang, nghèo, phần là sự thuận tiện, hiệu quả khi di chuyển bằng xe máy như hiện nay. Hiện hầu hết các gia đình đều đang sở hữu xe máy.

Thanh Thanh (tổng hợp)

Exit mobile version