Bộ Tài chính tiếp tục giảm thuế nhập khẩu dầu diesel và dầu mazut trong công thức tính giá xăng dầu quý III/2018, trong khi giữ nguyên mức thuế đối với mặt hàng xăng.
Bộ Tài chính vừa công bố mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu trong quý III.
Mức thuế suất này được Bộ Tài chính đưa ra dựa trên cơ sở tỷ trọng các mặt hàng xăng, dầu diezel, dầu hỏa và dầu mazut trong quý I/2018 từ ASEAN, Hàn Quốc và các nước trong khu vực khác do Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cung cấp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng căn cứ vào các mức thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác (MFN), thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định hiện hành, các quy định khác có liên quan để đưa ra mức thuế mới.
Theo đó, mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với mặt hàng xăng sẽ là 10%, không thay đổi so với quý II.
Thuế suất đối với dầu diezel áp dụng cho quý III/2018 ở mức 0,88%, giảm so với mức 0,96% trong quý II; còn thuế suất đối với dầu mazut nhập khẩu ở mức 2,04%, cũng thấp hơn so với mức cũ là 3,12%.
Riêng với dầu hỏa, mức thuế áp dụng mới cho quý III là 0,14%, tăng so với mức 0,11% áp dụng cho quý II.
Hồi quý I, mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với xăng cũng là 10% và dầu hỏa là 0,11%, còn dầu diesel và dầu mazut ở các mức lần lượt là 1,03% và 3,26%.
Hàng quý, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát và thông báo các mức thuế nhập khẩu nói trên để làm cơ sở căn cứ tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo quy định.
Trên cơ sở mức thuế này, Bộ Công Thương sẽ tính giá cơ sở xăng dầu từ kỳ tính giá mới vào quý III/2018. Công thức tính giá bán lẻ xăng dầu hiện tại như sau:
Giá bán lẻ xăng dầu = Chi phí đầu vào + Vận chuyển và bảo hiểm về Việt Nam + Thuế nhập khẩu bình quân gia quyền + Thuế tiêu thụ đặc biệt + Trích quỹ bình ổn giá + Thuế bảo vệ môi trường + Chi phí bán hàng & quản lý định mức + Lợi nhuận định mức.
Theo trang tin Dân Trí, thời gian qua có nhiều tranh cãi liên quan đến thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với mặt hàng xăng dầu.
Trong báo cáo Kiểm toán chuyên đề về quỹ bình ổn giá xăng dầu và công tác điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015-2016 công bố hồi tháng 1/2018, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những bất ổn trong điều hành công tác quản lý, điều hành giai đoạn 2015-2016, trong đó đáng lưu ý là việc áp dụng thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở.
Thuế bình quân gia quyền được xem là giải pháp tình thế của Bộ Tài chính trong bối cảnh tồn tại song song các mức thuế khác nhau với cùng một mặt hàng xăng dầu từ khu vực ASEAN là 10% và từ các thị trường áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MNF) là 20%.
Năm 2015 và 5 kỳ điều hành đầu tiên năm 2016, liên bộ Công Thương – Tài chính đã áp dụng thuế MFN trong điều hành và được Kiểm toán Nhà nước cho là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo nên một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. Do áp dụng thuế bình quân gia quyền trong cách công thức tính giá cơ sở, nên 10 thương nhân đầu mối hưởng lợi tới 3.375 tỷ đồng trong năm 2015.
Từ kỳ điều hành ngày 21/3/2016, giá cơ sở được áp dụng thuế bình quân gia quyền, tuy có hợp lý hơn, nhưng chỉ mang tính tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề, vì vẫn phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế. Do đó, tại 10 thương nhân đầu mối, trong năm 2016 vẫn chênh lệch hơn 1.400 tỷ đồng.
Việc áp dụng thuế bình quân gia quyền được Kiểm toán Nhà nước cho là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cũng như tính minh bạch trong quy định. Để việc xây dựng giá cơ sở được hợp lý, việc quy định tỷ lệ thuế nhập khẩu về một mức phù hợp là cần thiết, để khắc phục tồn tại trong xác định giá cơ sở và góp phần vào việc chống trốn lậu thuế.
Năm 2017, Hiệp hội Xăng dầu cũng đã nhiều lần kiến nghị đưa thuế nhập khẩu về một mức để thuận tiện hơn trong tính toán và sát với giá thực hơn. Việc hụt thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng tăng thu trong nước.
Minh Tuệ