Cũng nhờ sự động viên, chăm sóc của cô giáo mà Thảo không hề có cảm giác mặc cảm với bạn bè trên lớp. Chúng bạn cũng luôn gần gũi, giúp đỡ em.
Hằng ngày, bên cạnh việc tới lớp cô Lý Thị Thanh Thúy (sinh năm 1969, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) – giáo viên Tiểu học An Thạnh 2B còn phải tranh thủ tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập bám trụ lại với công việc gieo chữ nơi mảnh đất cù lao.
Trong số học trò của cô có em Trần Thị Hiếu Thảo sinh ra với hình hài không trọn vẹn, bố mất sớm, mẹ đi làm ăn xa nên không có cơ hội đến trường.
Xót thương cho hoàn cảnh của em, khi Thảo đến tuổi vào lớp 1, cô Thúy nói với gia đình cho em vào học tại trường tiểu học của xã. Những ngày đầu đến lớp, Thảo được bà ngoại đưa tới trường, cô Thúy chờ sẵn ở bên ngoài bế em vào đặt lên ghế ngồi. Cô còn phân công một học sinh nữ khác ngồi chung với Thảo để hỗ trợ lấy sách vở. Thảo không có tay nên việc cầm bút viết chẳng hề dễ dàng. Em phải kẹp bút vào cổ, dùng phần thịt nhô ra từ vai để viết hay vẽ…
“Cháu đến tuổi đi học, gia đình tôi cũng lo vì không biết có nơi nào nhận dạy những người như cháu hay không. Đưa đi trường nuôi dạy trẻ khuyết tật thì vợ chồng tôi cũng lo vì cháu phải ở xa nhà, không biết mọi chuyện sẽ ra sao”, bà Lý Thị Cho (bà ngoại Thảo) chia sẻ với Báo Dân Trí.
Ban đầu Thảo viết chữ rất to, sau một thời gian rèn luyện Thảo đã viết được chữ nhỏ, nét rõ ràng, tròn trịa, khá đẹp. Hơn nữa, em rất ham học và tiếp thu nhanh nên luôn đạt điểm cao, xếp loại khá. Đến hết học kỳ 1 năm học 2016-2017, Thảo đã viết được thành thạo.
Ngoài dạy chữ, cô giáo còn hướng dẫn em cách làm mọi việc như tự lấy thức ăn, sinh hoạt cá nhân…
Cô Thúy chia sẻ: “Lúc nhận dạy Thảo tôi luôn tâm niệm mình là người mẹ của em. Để dạy được em, trước hết phải tạo cảm giác gần gũi, thân thiện; phải thật sự có tình yêu thương, lòng kiên trì và nhẫn nại để giúp em học tốt, vượt qua mặc cảm khuyết tật”.
Giống như cô Thúy, xuất phát từ tình yêu thương học trò nên 18 năm qua cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (61 tuổi, TP. Vĩnh Long, Vĩnh Long) cũng dành hết tâm huyết để “gieo chữ” miễn phí cho những đứa trẻ mắc bệnh thiểu năng, trí não chậm phát triển…
Lúc còn dạy phổ cập tại Tiểu học Chu Văn An, cô Nga tình cờ biết nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể cắp sách đến trường. Lòng thương cảm thôi thúc giáo viên này mở lớp học xóa mù chữ, giúp các em biết đọc, biết viết…
Khi về hưu, cô dành tất tiền bạc để duy trì lớp và lặn lội đến từng nhà quanh vùng để vận động các em đi học. Nhiều em không bình thường đến lớp thường la hét, có khi đập phá đồ đạc, không tiếp xúc với các bạn. Song cô Nga đã giúp các em xóa bỏ được sự tự ti, khiếm khuyết bệnh tật và ngoan ngoãn trong lớp học.
Không chỉ vậy, mỗi ngày lên lớp, cô đều dành ít tiền mua quà bánh, mua cơm, bánh mì cho các em ăn. Và lòng tốt lại được lan tỏa, một số nhà hảo tâm biết đến lớp học ủng hộ quà tặng để động viên các em học tập.
“Có lẽ vì yêu thương tụi nhỏ nên thời gian, sức khỏe ở tuổi xế chiều đều dành cho chúng. Tôi coi các học trò như những đứa con của mình và cầu mong có sức khỏe, để còn đứng lớp dạy cho các em. Tôi xem công việc này là một phần cuộc sống, một niềm vui nhỏ nhoi không thể thiếu trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời”, cô Nga thổ lộ với Báo Thanh Niên.
Dạy các em học sinh bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Ngoài sự kiên trì, thì tấm lòng, tình yêu thương của cô Thúy, cô Nga giúp học sinh khuyết tật có thể đến trường, tiến bộ lên từng ngày, viết tiếp những ước mơ…
Liên Hoa (tổng hợp)