Trải qua hoàn cảnh khó khăn, nhà bị cháy rồi được nhiều người hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, nên cô Ước tâm niệm sẽ làm từ thiện thật nhiều để trả ơn cuộc đời.
Cô Nguyễn Thị Ước – Giáo viên trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. HCM) mở cửa hàng quần áo 0 đồng cả tuần, từ 7h-21h hằng ngày. Cửa hàng có đủ loại quần áo, giày dép với nhiều kích cỡ cho khách thoải mái lựa chọn, mà họ đều là những người nghèo.
Cô Ước chia sẻ với Báo Thanh Niên, gần 2 năm trước, cô mở gian hàng “Từ Tâm 2K” với đủ giày, dép hoặc quần áo, sách vở cho người lao động và người có hoàn cảnh khó khăn lựa chọn. Số tiền tích cóp được cô dùng cho những chương trình từ thiện khác.
Tuy nhiên, sau vụ cháy nhà hồi cuối tháng 9/2017, cô Ước đổi tên thành “Gian hàng Từ Tâm 0 đồng” để đáp lại sự giúp đỡ của mọi người trong lúc khó khăn. “Khi nhà cửa bị cháy rụi, không ít người đã tận tình hỗ trợ gia đình tôi về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, chúng tôi luôn tâm nguyện làm từ thiện thật nhiều để trả ơn cuộc đời”, cô Ước nói.
Để mở được gian hàng thì còn có sự hỗ trợ của người thân trong gia đình cùng sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Hễ có người cho đồ, cô đi lấy ngay hoặc họ tự chở đến ủng hộ.
Cách đây gần 20 năm, cô Nguyễn Thị Ước cùng chồng là thầy giáo Phan Văn Trung (Trường THCS Đông Thạnh) đã đến Trường ĐH Y Dược TP. HCM đăng ký hiến xác cho y học. Cô còn trải qua 19 lần hiến máu cứu người. |
Mới đây có người đàn ông ở quận Gò Vấp đã chở 5 bao tải áo quần, giày dép đến tặng. Nhiều học sinh cũng tự nguyện mang tặng những vật dụng học tập và đồ dùng cá nhân vẫn còn mới. Hay công ty may cũng thỉnh thoảng góp tặng những lô hàng… “Của ít lòng nhiều”, mỗi người góp một chút cho gian hàng của cô Ước thêm đầy đủ để mọi người đến chọn.
Vừa lựa quần áo, giày dép cho cháu, bà Nguyễn Thị Hà (67 tuổi, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh) cho biết: “Mớ đồ này tui đem về cho hai đứa cháu nội, bớt khoản mua sắm. Mẹ nó mất sớm, ba chạy xe ôm thu nhập bấp bênh lắm”.
Nhiều công nhân khi đi làm về cũng tranh thủ ghé vào để chọn quần áo cho chồng, cho con. Nhờ có cửa hàng của cô Ước mà họ tiết kiệm được khoản tiền nhỏ chi tiêu trong gia đình nên ai cũng vui vẻ.
Không chỉ có cửa hàng quần áo 0 đồng, gia đình cô Ước còn đặt bình nước uống miễn phí, mỗi năm chia làm 2-3 đợt tặng gạo cho những hộ khó khăn. Ngoài ra, cô cũng năng nổ tham gia nhiều chuyến từ thiện tặng quà cho người dân ở vùng sâu.
Cửa hàng quần áo 0 đồng – phong trào từ thiện ai thiếu đến lấy, ai thừa đến ủng hộ đang lan tỏa ra rất nhiều tỉnh, thành và cả những miền quê nghèo.
Ở An Giang có 5 cửa hàng 0 đồng “thừa thì cho – thiếu thì nhận” tại 2 thị trấn Tri Tôn, Ba Chúc và các xã Vĩnh Phước, Lạc Quới, Cô Tô. Trong đó, có của hàng ở huyện Tri Tôn, mỗi người được chọn miễn phí 4 bộ quần áo cùng các vật dụng như tivi, xe đạp, bếp gas…
Những “shop 0 đồng” lưu động ở Cần Guộc (Long An) do cá nhân hay một nhóm người lập lên, nhận quần áo quyên góp từ các nhà hảo tâm để đem đến cho người nghèo trước cổng bệnh viện hoặc chuyển về đến tận làng quê.
Chị Đỗ Thị Thảo Phương – thành viên trong nhóm từ thiện cho biết, quần áo sau khi nhận về sẽ được các thành viên của “shop 0 đồng” lựa chọn, phân loại, xếp gọn và đặt ở tủ áo tình thương cho người dân đến lấy. “Được thấy bà con đông đảo đến nhận đồ là niềm vui khôn tả với mọi thành viên của shop”, chị Phương nói.
Theo Báo Dân Trí, cuối tháng 6/2017, cửa hàng 0 đồng nằm cạnh Bếp ăn Khuyến học Trường Trung học Phổ thông Thanh Bình 1 (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) khai trương để phục vụ miễn phí cho những người nghèo, học sinh khó khăn…
Bà Năm (50 tuổi, bán vé số) bày tỏ: “Bây giờ, người nghèo chúng tôi đỡ phải cơ cực về miếng cơm, manh áo. Bởi vì, tụi tui đi bán vé số khi đói khát thì ghé Tổ cấp cơm, cháo, nước từ thiện hay ghé tủ bánh mì, bình nước đá miễn phí để ăn uống lót dạ, đỡ khát. Còn thiếu quần áo mặc thì tới cửa hàng 0 đồng này để xin một bộ lành lặn, mới toanh để mặc…”.
(Tổng hợp)