Đại Kỷ Nguyên

Chuyện về giám đốc khuyết tật 20 năm sản xuất xe lăn cho người đồng cảnh ngộ

Thấu hiểu nỗi vất vả của người cùng cảnh ngộ, hơn 20 năm qua, hàng trăm chiếc xe lăn được ông Trung thiết kế đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước.

Trong căn nhà tập thể cũ chứa đầy dụng cụ cơ khí trên phố Lương Đình Của (Hà Nội) “giám đốc” Nguyễn Trung (70 tuổi) tâm sự với Lao Động, ông quê gốc ở Quảng Nam, số phận kém may mắn khiến hai chân bị bại liệt từ nhỏ. Cuộc đời ông cũng vì thế mà gắn liền với xe lăn…

Thời bao cấp, ông Trung đi lại trên chiếc xe lăn do người thợ sắt làm, nhưng xe nặng khó di chuyển bằng tay. Mùa đông, tay tê cóng không thể quay bánh, trời mưa hay đường gồ ghề phải nhờ người đẩy. Mỗi khi xe hỏng, ông không thể ra ngoài, mong muốn tự làm ra xe lăn bắt đầu từ đó.

Năm 1996, ông tham gia khóa đào tạo “Thiết kế, sửa chữa và bảo dưỡng xe lăn cho người khuyết tật” tại Thái Lan. (Ảnh: Kinh Tế & Đô Thị)

Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu theo đuổi đam mê đã ấp ủ từ lâu. Khi ấy ở Việt Nam, xe lăn loại tốt đều phải nhập khẩu giá cao, phụ tùng lại khó tìm. Thế là ông Trung quyết định mua một chiếc mới tinh về “phá”.

“Phá đi lắp lại khoảng chục lần, tôi tìm ra ưu, nhược điểm của nhà sản xuất rồi cóp tiền mở xưởng sản xuất ‘Sống độc lập’ để làm xe lăn”, ông Trung nói với Thanh Niên.

Sau nhiều lần miệt mài nghiên cứu chế tạo, năm 1997, chiếc đầu tiên của ông xuất xưởng. Ông đã dùng chiếc xe ấy suốt một năm để quảng cáo là xe tốt, giá lại rẻ nên được mọi người tin tưởng, đặt hàng.

Tiếng lành đồn xa, danh tiếng của “ông Trung xe lăn” ngày càng được nhiều người biết đến. Có người từ Lạng Sơn về thủ đô tìm ông đặt cho được chiếc xe ưng ý. Xe của ông Trung… chẳng giống ở đâu, không theo khuôn mẫu nào, tùy vào nhu cầu đi lại của mỗi khách hàng, ông lại có những thiết kế riêng cho phù hợp. Trước kia, xưởng nhỏ của ông vẫn phải thuê thêm vài người cùng hỗ trợ.

Xe lăn của ông Trung làm hoàn toàn bằng các nguyên liệu dễ kiếm, tái chế như ống inox, bánh xe đạp, vải dù… với tay lái nhẹ, dễ điều khiển, dễ sửa chữa khi hỏng. (Ảnh: Lao Động)

Thời gian hoàn thiện một chiếc xe mất khoảng 7-10 ngày và để tiết kiệm chi phí, ông tận dụng vật dụng của xe đạp cũ như vành, lốp, nan hoa, vòng bi… giúp người sử dụng có thể tự sửa chữa, dễ dàng mua phụ tùng mỗi khi bị hỏng.

“Có người bị khuyết tật chỉ còn lại một tay, mình phải chế tạo làm sao họ chỉ cần lăn trên một bánh xe là có thể di chuyển nhẹ nhàng” – ông tâm sự với Báo Kinh Tế & Đô Thị.

Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” song ông vẫn một mình miệt mài với công việc quen thuộc. Đến nay, xưởng của ông đã sản xuất hơn 300 chiếc xe lăn. Chia sẻ về chuyện đặt hàng, ông Trung nói: “Nhiều khi bán với giá rẻ, không tính công bởi nhiều người khuyết tật, điều kiện cũng rất khó khăn nên tôi muốn giúp họ. Với mỗi khách hàng, tôi đều nhìn vào khuyết tật của họ để thiết kế sao cho phù hợp và tiện sử dụng”.

Xưởng làm việc của ông Trung chiếm gần nửa diện tích căn hộ tập thể vốn đã chật hẹp. (Ảnh: VnExpress)
Không chỉ nhận được đơn hàng đơn lẻ, ông còn nhận được những đơn hàng số lượng lớn từ Hội người tàn tật, các công ty và một số tổ chức nước ngoài. (Ảnh: VOV)
Không được học qua trường lớp bài bản nào, mọi kiến thức về cơ khí ông có được đều do mày mò, tìm hiểu trên sách vở và mọi người xung quanh. (Ảnh: VnExpress)

Sử dụng xe lăn do ông Trung sản xuất đã 10 năm nay, ông Phan Đại Chí (56 tuổi, Long biên) xúc động kể với VOV: “10 năm nay gắn bó với chiếc xe lăn này, tôi không phải mất nhiều chi phí sửa chữa xe mà chủ yếu chỉ thay săm, lốp thôi. Xe này tiện lắm, tự mình có thể vận động một cách dễ dàng. Không những vậy, tôi còn giúp gia đình được nhiều việc nhà”.

Bà Liên – vợ ông Trung tự hào kể về chồng: “Ông nhà tôi đã 70 tuổi rồi mà vẫn nhanh nhẹn lắm. Từ sinh hoạt cá nhân đến việc cơ khí vất vả đều làm được hết, chỉ phải cái nóng tính!”. (Ảnh: VnExpress)

Với ông Trung, việc sinh ra là người khuyết tật không đáng sợ, đáng sợ hơn là sự tự ti, mặc cảm và đầu hàng trước số phận. Ông bảo, cuộc sống của ông vui hơn nhờ vào việc chế tạo những chiếc xe lăn vì vừa giúp mình, giúp người.

Công việc nặng nhọc nhưng ông luôn lạc quan và thường huýt sáo những bài hát vui nhộn khi làm việc. (Ảnh: VnExpress)

Tổng Hợp

Exit mobile version