Các chuyên gia cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu kịch khung sẽ tác động lớn đến túi tiền của những người có thu nhập thấp, khiến cuộc sống của người nghèo càng thêm khó khăn hơn.
Trong dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường vừa được ký trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên mức tối đa so với quy định của luật từ ngày 1/7 tới.
Theo tờ trình dự thảo nghị quyết, đề xuất thuế bảo vệ môi trường với xăng được tăng từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít; thuế dầu diesel tăng lên 2.000 đồng/lít thay vì 1.500 đồng/lít như hiện nay. Riêng thuế đối với dầu mazut tăng mạnh nhất, từ 900 đồng/kg lên 2.000 đồng/kg.
Theo Tuổi trẻ, về tác động đến người dân khi tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho biết ban soạn thảo đánh giá tiêu dùng của các hộ gia đình có giảm tương ứng theo các nhóm dân cư.
Trong đó, nhóm dân cư có thu nhập thấp sẽ phải chi thêm 22.000 đồng/tháng, còn nhóm có thu nhập cao, mức tăng chi cao nhất là khoảng 130.000 đồng/tháng khi tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tính toán trên chưa thật đầy đủ vì thuế xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến giá nhiều mặt hàng khác, tác động dây chuyền.
Thực tế, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Thế nhưng, giá xăng dầu đang phải cõng quá nhiều loại thuế, phí như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn… khiến giá tăng cao. Giá xăng cao sẽ tác động mạnh đến mọi mặt hàng sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đời sống người dân.
Đáng chú ý, việc tăng giá xăng dầu do tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động trực tiếp đến những người có thu nhập thấp do họ có nhu cầu đi lại cao và chưa có phương tiện nào thích hợp để thay thế.
Cùng với đó, với mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình thấp của thế giới, việc giá hàng hóa tăng lên trong khi thu nhập người dân không tăng sẽ đẩy họ vào cuộc sống nhiều khó khăn hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng mức thuế đề xuất tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng là khá lớn, đồng thời dự đoán giá xăng cũng sẽ tăng thêm ít nhất 1.000 đồng, bằng với mức tăng thuế.
PGS.TS Lê Xuân Trường (từ Học viện Tài chính) nhận định túi tiền của người tiêu dùng sẽ bị vơi đi đáng kể nếu đề xuất tăng thuế được thông qua. Ước tính khoảng cách giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu nhập thấp nhất khoảng 10 lần thì với đề xuất này người nghèo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn.
Trong khi người nghèo đã rất khó khăn, nay khoản tiền chi tiêu hằng ngày bị bớt thêm, đời sống của họ càng bị dồn vào chân tường.
Thêm vào đó, Bộ Tài chính dự kiến số thu ngân sách mỗi năm từ tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ đạt khoảng trên 55.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi người dân chưa thấy được sự minh bạch về những khoản thu trên được chi cho vấn đề bảo vệ môi trường như thế nào thì từ lâu người dân dễ dàng nhận thấy môi trường chưa thực sự được bảo vệ đúng nghĩa và họ đang phải hàng ngày sống chung với ô nhiễm dù thuế liên tục tăng. Chỉ cần nhìn vào những điều này thôi cũng dễ khiến người dân bức xúc, không đồng thuận.
Nguyễn Trang