Tại chung cư M3-M4 số 91 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), một số cửa chống cháy cơ cấu tự đóng kém, đèn chỉ dẫn thoát nạn không đảm bảo. Dây cứu hỏa bị thủng lỗ chỗ và không được thay thế. Các bình cứu hỏa được mang ra kiểm tra thì đều hết áp suất, không sử dụng được.
Ngày 23/4, Bộ Công an và Bộ Xây Dựng bắt đầu mở đợt tổng kiểm tra nhà chung cư, nhà cao tầng, cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy nổ tại 7 tỉnh, thành phố lớn, theo VnExpress.
Tại chung cư M3-M4, gồm 2 khu A (25 tầng) và khu B (2 khối nhà 17 tầng và 21 tầng) hoạt động từ năm 2005, đơn vị chủ quản thuộc Công ty CP đầu tư xây lắp và phát triển nhà.
Theo thông tin ban đầu, nơi đây có khoảng 256 căn hộ, trên 1000 người sinh sống, 20 căn hộ cho thuê văn phòng.
Tuy nhiên, khi kiểm tra hệ thống báo cháy tự động, bình cứu hỏa không hoạt động. Một số cửa chống cháy tại buồng thang bộ cơ cấu tự đóng kém. Đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố không đảm bảo. Ban quản lý tòa nhà chưa tổ chức mua bảo hiểm cháy, nổ tại tòa nhà…
Theo VTC, chung cư M3-M4 được sử dụng từ 2005, với 3 đơn nguyên từ 17-25 tầng, với khoảng 1.000 nhân khẩu và đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.
Bên cạnh đó, chung cư M5 cũng không có đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, việc phòng cháy chữa cháy tại chỗ chưa được quan tâm.
Kết thúc kiểm tra tại chung cư M3-M4, Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành cho rằng, việc phòng cháy chữa cháy ở tòa nhà chưa đảm bảo, nếu có sự cố nguy cơ thiệt hại rất nghiêm trọng.
Ông đề nghị chủ đầu tư khắc phục ngay và đưa ra các giải pháp để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho người dân.
Theo Bộ Công an, toàn quốc hiện có 4.100 chung cư, nhà cao tầng, riêng 7 tỉnh thành phố lớn (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa) có tới 3.600 chung cư.
Nhưng hơn một nửa trong số này vẫn chưa thành lập được đơn vị quản lý hoặc ban quản trị tòa nhà. Đây cũng là một trong những lý do khiến hệ thống an toàn PCCC của nhiều tòa nhà bị bỏ ngỏ, rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”.
Tùng Anh