Đại Kỷ Nguyên

Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên bùng nổ tại châu Á

Một mỏ niken ở Philippines. (Ảnh: AP)

Các chính phủ tại châu Á đang gây khó dễ cho các công ty khai thác mỏ nước ngoài bằng các khoản thu mới, theo nhật báo Nikkei.

Các quốc gia giàu tài nguyên ở châu Á đang tăng tiền thuế và gây sức ép lên các công ty khai thác mỏ nước ngoài với mục tiêu thu về nhiều tiền hơn từ nguồn tài sản tự nhiên để trang trải cho cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng.

Trong chương trình cải cách thuế tiếp theo của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Bộ Tài chính nước này có kế hoạch áp dụng mức thuế tài nguyên tương đương với khoảng 5% giá trị thị trường của các sản phẩm khoáng sản thành phẩm hoặc đã chiết xuất. Khoản thuế này được căn cứ trên tổng sản lượng và không gồm các loại thuế khác.

Theo Nikkei, vào tháng 12/2017, Philippines đã tăng gấp đôi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tài nguyên kim loại và phi kim lên lần lượt các mức 4% và 2%.

Thuế tăng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và sản xuất niken, đồng và các sản phẩm phụ nước này, bao gồm cả vàng.

Phòng quản lý Khoáng sản Philippines hy vọng, nếu được thông qua, chính sách này sẽ chỉ được áp dụng cho các dự án trong tương lai và không áp dụng cho các dự án hiện đã hoàn thành nghiên cứu.

Chính quyền ông Duterte đã nhận thức được tầm quan trọng của ngành khai thác mỏ. Trong một cuộc họp vào năm 2017, ông Duterte đã cảnh báo nghiêm khắc tới các công ty không cải tạo lại các khu vực đã khai thác: “Tôi sẽ đánh thuế bạn đến chết”.

Trong khi đó, Mông Cổ cũng đang gây sức ép cho các hãng khai thác mỏ tại khu vực Oyu Tolgoi, nơi có trữ lượng vàng và đồng lớn nhất thế giới.

Chính phủ Mông Cổ đã ra lệnh cho công ty khai thác Turquoise Hill Resources – công ty con của gã khổng lồ Rio Tinto – trả 155 triệu USD tiền thuế. Tuy công ty này đã chuyển cho chính phủ 5 triệu USD nhằm làm dịu mối quan hệ với chính phủ, nhưng mối quan hệ giữa họ có thể trở nên bất hòa bất cứ lúc nào.

“Vấn đề quan trọng trong ngành này là chủ nghĩa dân tộc tài nguyên”, ông Jean-Sebastian Jacques, giám đốc của Rio Tino phát biểu tại một hội nghị diễn ra vào tháng 5/2018.

Tại Indonesia, Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo cũng đã tìm cách lấy lòng dân chúng khi ông bắt tay vào chiến dịch tái cử.

Vào ngày 10/8, sau khi tuyên bố ứng cử cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 4/2019, ông Widodo tuyên bố với những người ủng hộ rằng khối dầu khí Mahakam và mỏ đồng thuộc sở hữu của công ty khai khoáng Freeport-McMoRan của Mỹ phải được sử dụng cho người dân Indonesia.

Trước đó, vào tháng 7/2018, Indonesia đã đồng ý trả 3,85 tỷ USD cho Freeport-McMoRan và Rio Tino để nắm giữ cổ phần nhằm có quyền điều hành hoạt động khai thác tại mỏ đồng. Cử tri Indonesia dường như đánh giá cao quyết tâm của ông Widodo nhằm thu hồi quyền lợi tài nguyên từ các công ty nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Takayuki Honma của Sumitomo Corporation Global Research cho biết: “Các khoản thuế mới sẽ khiến các công ty nước ngoài bị áp lực. Điều này có thể sẽ dẫn đến một số công ty tìm kiếm nguồn lực ở nơi khác”.

Kiều Ngọc

Exit mobile version