Đánh giá về quy định hoạt động siết nợ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ do ngân hàng tự chủ thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật BASICO, bày tỏ lo ngại cho rằng nếu thực hiện không khéo chẳng khác nào “túi này lọt sang túi kia”.
Chia sẻ trên Báo Đất Việt, luật sư Đức cho rằng việc giao ngân hàng tự chủ hoạt động siết nợ DNNN thua lỗ không phải là quy định mới mà đã thành luật và được quy định từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, ông đặc biệt quan tâm tới một điều khoản mới, đó là cho phép ngân hàng chuyển nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp.
Theo luật sư, việc cho phép ngân hàng đổi nợ xấu thành vốn góp chỉ kéo dài thời gian trả nợ và che giấu nợ xấu, khiến việc nhận diện nợ xấu trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, đáng lẽ phải làm rõ trách nhiệm gây thất thoát vốn như thế nào thì bây giờ “hòa cả làng”, không còn biết trách nhiệm của ai nữa.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cho DNNN vay nhiều lại chính là các ngân hàng mà nhà nước nắm cổ phần chi phối, nên hoạt động thu nợ sẽ dễ dẫn đến cảnh móc ngoặc xuê xòa. Việc siết nợ ở những trường hợp này làm không khéo chẳng khác nào “túi này lọt sang túi kia”.
Ngoài ra, luật sư Đức cũng chỉ ra một thực tế là hiện chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và 3 ngân hàng khác có 100% vốn nhà nước, còn lại đều là các ngân hàng cổ phần. Đáng chú ý là các ngân hàng cổ phần ở Việt Nam cũng rất đặc biệt, vốn cổ phần có 10 đồng, vốn nhà nước có 9 đồng thì đó cũng được coi là ngân hàng cổ phần. Điều này càng bộc lộ rõ sự luẩn quẩn trong quản lý, Nhà nước vẫn tham gia sâu vào các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Theo Dân trí, khi trả lời chất vấn một đại biểu Quốc hội mới đây về tình trạng ngân hàng siết nợ các “ông lớn” nhà nước làm ăn thua lỗ, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo đánh giá toàn diện thực trạng nợ xấu của hệ thống. Theo đó, nợ xấu của các DNNN vẫn còn khá lớn, khoảng 9,3 nghìn tỷ đồng đến thời điểm 30/09/2017.
Nguyễn Trang