Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 31/10 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:
Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sửa quy định
Báo Dân Trí cho biết, trong phiên chất vấn chiều ngày 30/10, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn hỏi Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an về trường hợp người thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: “Công an Cần Thơ nhân dịp một doanh nghiệp mua 100 đô trái phép đã khám nhà chủ doanh nghiệp, tịch thu tài sản được cho là không có nguồn gốc. Việc đó đúng luật pháp hay sai?”.
Thượng tướng Tô Lâm cho biết, ngày 30/1/2018, Công an TP. Cần Thơ đã bắt quả tang ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực) với hành vi thu mua 100 đô la của ông Nguyễn Cà Rê mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Từ căn cứ trên Công an TP. Cần Thơ đã tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại nhà ông Lực. Qua khám xét đã tạm giữ trên 1.000 sản phẩm kim loại màu vàng, màu trắng…
Thượng tướng Tô Lâm cho biết, ông Lực không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm trên. Công an TP. Cần Thơ đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm hành chính và UBND TP. Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt hành chính.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện công ty của gia đình ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính và không có khiếu nại hay khởi kiện gì với quyết định của UBND TP. Cần Thơ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, vụ việc trên gây bức xúc dư luận; dù có quy định xử phạt, nhưng đây là người dân đi đổi chứ không phải cửa hàng chủ động kinh doanh ngoại tệ.
“Mặc dù chúng ta có quy định trong nghị định, nhưng tính chất là một người đi đổi 100 đô chứ không phải kinh doanh ngoại tệ. Có vi phạm nhưng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải xem xét sửa đổi quy định này”, bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật, “còn quy định chưa hợp lý thì chúng ta phải sửa cho dân nhờ“, bà Ngân nói.
Theo bà Ngân, việc khám xét nhà cũng phải đúng quy định, đúng thời gian: “Phạt hành chính mà 6-9 tháng sau (kể từ thời điểm khám xét) mới ra quyết định. Bộ Công an, NHNN phải chỉ đạo xem xét vấn đề này; thực hiện đúng pháp luật nhưng cái gì chưa đúng, chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ”, VnExpress đưa tin.
Hơn 100 sinh viên Sài Gòn bị đình chỉ học vì điểm rèn luyện kém
Ngày 30/10 báo VnExpress đưa tin, Đại học Tài chính – Marketing vừa quyết định đình chỉ học tập một năm (học kỳ cuối năm 2018 và học kỳ đầu năm 2019) với 117 sinh viên cao đẳng chính quy khóa 16C do xếp loại rèn luyện kém.
Những sinh viên này được bảo lưu học phí và số học phần đã đăng ký tại học kỳ cuối năm nay và được tiếp tục trở lại đầu học kỳ cuối 2019. Sinh viên phải liên hệ với phòng quản lý đào tạo của trường để làm thủ tục nhập học ít nhất một tuần trước khi đăng ký học phần.
TS Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng ĐH Tài chính – Marketing cho biết, những sinh viên bị xử lý lần này phần lớn do không đi học, không làm phiếu đánh giá. Nhà trường tạo điều kiện để bạn nào thật sự muốn theo học vẫn có thể quay lại sau một năm.
Ông Đạo cho biết thêm, những sinh viên này bị xử lý theo quy chế công tác sinh viên. Sinh viên bị xếp loại rèn luyện kém trong cả năm học phải tạm ngừng một năm, nếu lặp lại lần thứ hai sẽ bị buộc thôi học.
Nhân viên Jetstar quăng hàng ký gửi lên băng chuyền máy bay
Chiều 30/10, một đoạn clip hơn 1 phút lan truyền trên Facebook ghi lại cảnh 2 nhân viên hãng hàng không Jetstar Pacific quăng hàng ký gửi của khách lên máy bay chuẩn bị cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, hàng hóa sau khi được xe chuyên dụng chở ra đường băng, nhân viên hãng hàng không thay vì vận chuyển cẩn thận lại dùng hai tay quăng mạnh lên băng chuyền. Thậm chí nhân viên hãng này không nhìn vào băng chuyền mà quăng theo quán tính, khiến thùng hàng lăn rớt xuống đất.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Tiến Sĩ, phụ trách truyền thông của Jetstar Pacific, cho biết, sau khi clip lan truyền trên mạng xã hội, ban lãnh đạo công ty đã tiếp nhận vụ việc và yêu cầu các đơn vị liên quan tại sân bay nghiêm túc rút kinh nghiệm.
“Lãnh đạo Jetstar Pacific đã yêu cầu bộ phận hàng hóa và các nhân viên liên quan báo cáo, giải trình. Hãng cũng sẽ có hình thức xử lý theo quy định đối với các cá nhân liên quan đến sự việc này”, ông Sĩ nói.
Ông Lưu Việt Hùng, Chánh văn phòng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, lãnh đạo sân bay đã nắm vụ việc và đơn vị sẽ có văn bản chấn chỉnh các công ty thực hiện dịch vụ tại sân bay để không để xảy ra trường hợp tương tự.
Bão Yutu giảm cấp nhanh khi vào biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, 4 giờ giờ ngày 31/10, vị trí tâm bão Yutu đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km. Đến 4 giờ ngày 1/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 510 km về phía Đông Đông Bắc.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, giật cấp 13; biển động dữ dội.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão Yutu di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 4 giờ ngày 3/11, tâm bão sẽ cách Đài Loan khoảng 330 km về phía Tây Nam và chỉ còn mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km. Đến 4 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620 km về phía Đông Bắc. Lúc này, bão chỉ còn mạnh cấp 10 giật cấp 12.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một ngày làm việc hiệu quả!
Đại Kỷ Nguyên News