Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 25/10 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:
5 Trường hợp BHYT được hưởng 100% chi phí KCB từ ngày 1/12
Vietnamnet cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12.
Theo đó, có 5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) bao gồm:
- Hỗ trợ 100% chi phí KCB với các đối tượng gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
- Hỗ trợ 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, trẻ em dưới 6 tuổi…
- Hỗ trợ 100% chi phí KCB tại tuyến xã
- Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở (khoảng 1,39 triệu đồng/tháng)
- Hỗ trợ 100% chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi KCB vượt tuyến.
Đối với các trường hợp khác, mức hưởng BHYT chỉ 80-95%.
Con gấu thứ 200 được giải cứu khỏi nuôi nhốt
Báo VnExpress thông tin, ngày 23/10, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ thành công một con gấu ngựa tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Chủ nuôi tự nguyện bàn giao gấu về tự nhiên.Gấu được nuôi ở sân sau của một căn nhà ống khá sâu suốt gần 17 năm qua.
Để đảm bảo an toàn cho người chăm sóc, chủ nuôi đã hàn các thanh sắt rất dày, đan xen nhau khiến cho việc tiếp cận gấu khá khó khăn.
Các bác sỹ thú y đã gây mê để cứu gấu ra ngoài và khám sức khỏe lâm sàng từ khám mắt, siêu âm ổ bụng, cắt móng quặp cho gấu.
Gấu nặng tới 200 kg, chi bị sừng hóa nứt nẻ do không được tiếp xúc với mặt phẳng. Răng của gấu cũng bị sâu và vỡ. Siêu âm ổ bụng thấy thành túi mật dày và gấu bị béo phì do thức ăn không phù hợp.
Con gấu này sẽ được đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Tam Đảo, sau 45 ngày cách ly trước khi được ghép nhóm và hòa nhập tại các khu bán tự nhiên.
Nhiều sinh viên TP. HCM có nguy cơ bị đuổi học vì chuẩn ngoại ngữ mới
Nhiều trường đại học tại TP. HCM áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ mới nhằm nâng cao chất lượng sinh viên. Thực tế, không ít sinh viên rất chật vật để đáp ứng được chuẩn này.
Theo Zing, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, trước năm 2015, áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh TOEIC 450. Theo nhà trường, chuẩn này thường không được các doanh nghiệp chấp nhận. Vì vậy, năm 2016, trường áp dụng chuẩn TOEIC 500 và đến 2017 nâng lên TOEIC 550.
ĐH Luật TP. HCM đang áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên là TOEIC 450-600. ĐH Nông lâm TP. HCM áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ GD&ĐT, tương đương cấp độ B1 và đạt các chứng chỉ như TOEFL 450, TOEFL iBT 57, IELTS 4.5, PET 70, BULATS 40 do Trung tâm Ngoại ngữ của trường xác nhận.
ĐH Quốc gia TP. HCM vừa quyết định mức chuẩn mới dành cho sinh viên từ khóa tuyển sinh 2018. Cụ thể, chuẩn đầu ra tiếng Anh cần đảm bảo 4 kỹ năng theo chứng chỉ TOEIC. Trong đó, sinh viên tốt nghiệp ĐH cần đạt tối thiểu 450 điểm TOEIC, riêng mức điểm cho phần nói – viết phải đạt 181 điểm.
Chuẩn tiếng Anh này áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam tương đương bậc 3, còn theo khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu tương đương B1.
Phạt tiền triệu nếu không cắt móng tay, không đeo găng tay khi tiếp xúc thực phẩm chín
Dân Trí đưa tin, Chính phủ mới ban hành Nghị định 115/2018 trong đó quy định chi tiết điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm.
Nghị định 115/2018 chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, Nghị định 115/2018 quy định:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
Tại các căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể, quầy hành kinh doanh thức ăn ăn ngay… nếu người tham gia chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
Tại nơi kinh doanh ăn uống cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín; Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay; Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy cũng bị phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một ngày làm việc hiệu quả!
Đại Kỷ Nguyên News