Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG ngày 18/9: Xác định ‘có thu sai quy định ở trường tiểu học Sơn Đồng’, Hầm chui ở Sài Gòn ngập nặng

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 18/9 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Xác định “có thu sai quy định ở trường tiểu học Sơn Đồng”

Trong buổi làm việc với báo Dân trí sáng 17/9, ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch huyện Hoài Đức cho biết, đoàn kiểm tra của huyện đã xác minh và khẳng định có vụ việc thu sai quy định ở Trường tiểu học Sơn Đồng.

Theo ông Trung, trong 19 khoản được phản ánh, có 7 khoản chưa thu và 12 khoản đã thu. Do sự việc diễn ra vào ngày 4/9 nên huyện chủ trương để khai giảng xong. Trong tối 4/9, UBND huyện đã có báo cáo đến Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch Thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội về sự việc ở Trường tiểu học Sơn Đồng.

Phụ huynh học sinh phản ánh một số khoản thu sai quy định. (Ảnh: Mỹ Hà)

Đồng thời, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo nhà trường dừng toàn bộ các khoản thu để xác minh các bước tiếp theo.

Sau đó, đoàn kiểm tra đã làm việc theo đơn thư của phụ huynh, với hiệu trưởng, với lãnh đạo Ủy ban và Phòng GD&ĐT huyện.

“Chúng tôi khẳng định, có việc thu sai ở trường tiểu học Sơn Đồng. Trong 12 khoản, có một số khoản thu được phụ huynh và báo chí phản ánh đúng như: Thu dạy thêm học thêm trước hè, trong đó có dạy Toán, Tiếng Việt và Kĩ năng sống nhưng theo quy định, chỉ được phép dạy Kĩ năng sống, Thể thao và Khiêu vũ theo đúng tinh thần của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm.

Thứ hai, việc thu tiền bảng tương tác thông minh, các quỹ phụ huynh, tiền tin học (tu sửa máy tính) … nhưng chưa bàn bạc với phụ huynh nhưng đã thu là sai.

Thứ ba, chúng tôi xác định những sai phạm này là của tập thể lãnh đạo nhà trường; Trong đó hiệu trưởng chịu trách nhiệm cao nhất. Một phần sai do cô giáo chủ nhiệm, vì có những khoản giáo viên chủ nhiệm tự ý đứng ra thu, một phần sai của phụ huynh vì đã thỏa thuận thu một số khoản không đúng theo quy định”, ông Trung khẳng định.

Các khoản thu của nhà trường do phụ huynh phản ánh. (Ảnh: Dân Trí)

Ông Trung cho hay: “Phòng GD&ĐT cũng phải kiểm điểm nghiêm túc về việc này. Riêng nhà trường, phải chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc. Đó là quan điểm của lãnh đạo Ủy ban chứ không phải cá nhân tôi bởi đây là sự việc rất nghiêm trọng”.

Hàng trăm phụ huynh bức xúc nán lại sân trường đòi Hiệu trưởng đối thoại sau khi lãnh đạo này bỏ vào phòng họp. (Ảnh: Dân Trí)

Tổng thầu Trung Quốc sắp vận hành chính thức tàu Cát Linh – Hà Đông

Ngày 20/9, Tổng thầu Trung Quốc sẽ chính thức vận hành thử nghiệm liên động toàn hệ thống Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội). Đây là dấu mốc quan trọng của dự án đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam, kéo dài gần 10 năm triển khai thi công.

Trao đổi với Dân trí chiều 17/9, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt (QLDA), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện nay mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, đảm bảo cho hoạt động vận hành liên động toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Lãnh đạo Ban QLDA thông tin, đây là giai đoạn Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được vận hành kỹ thuật, vì vậy người dân sẽ không được lên tàu. Khi hoạt động vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối và hoàn thiện dự án thì người dân mới có thể lên tàu.

Toàn bộ 13 đoàn tàu của Dự án sẽ được đưa vào vận hành. Các đoàn tàu xuất phát từ điểm đầu dự án là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) chạy trên hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa), mỗi ga đoàn tàu sẽ dừng lại 1 phút. Vận tốc tàu chạy tối đa là 65 km/h, tốc trung bình là 30-35 km/h.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành liên động toàn hệ thống từ ngày 20/9. (Ảnh: Dân Trí)

Các đoàn tàu sẽ chạy theo biểu đồ, đúng với quy trình của dự án. Những ngày đầu, các đoàn tàu sẽ có thời gian giãn cách là 10-12 phút/chuyến, trong 3-6 tháng sẽ rút ngắn dần thời gian giãn cách theo thiết kế và đạt 5 phút/chuyến khi khai thác thương mại.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Ban QLDA, trong giai đoạn đầu thử nghiệm sẽ không có người Việt Nam tham gia vào công tác vận hành. Sau này, nhân công người Việt đã được đào tạo sẽ được đưa vào tiếp nhận và vận hành từng bước.

“Tổng thầu Trung Quốc sử dụng nhân công người Trung Quốc trực tiếp tham gia vào hoạt động vận hành. Tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác vận hành trong khoảng từ 3-6 tháng thử nghiệm. Hiện nay toàn bộ lực lượng của Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam”, lãnh đạo Ban QLDA cho hay.

2 nghi can trong vụ cướp ngân hàng ở Tiền Giang bị bắt

Ngày 17/9, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) bắt giữ Châu Cường (36 tuổi) cùng Nguyễn Ngọc Đức (23 tuổi, cùng ở TP. HCM). Đây là hai nghi can trong vụ cướp chi nhánh VietinBank ở Tân Hiệp, huyện Châu Thành.

Đức (trái) và Cường lúc bị bắt. (Ảnh: Tiền Giang)

Theo thông tin ban đầu, Đức là người cung cấp súng rulo cùng 6 viên đạn cho Cường đi gây án. (Chi tiết)

Hầm chui ở Sài Gòn ngập nặng, nhiều ôtô chết máy

Sáng 17/9, khu vực phía Đông Sài Gòn mưa lớn, hầm chui nút giao thông Mỹ Thủy chìm trong nước. Diện tích bị ngập kéo dài gần 20 m ở khúc cua giữa hầm, chỗ ngập sâu nhất khoảng nửa mét, theo VnExpress.

Ôtô đang chờ xe cứu hộ kéo ra ngoài. (Ảnh: VnExpress)

Xe container, ôtô… từ đường Võ Chí Công qua hầm để về hướng phà Cát Lái gặp nhiều khó khăn. Một số ôtô 4 chỗ có gầm thấp, bị chết máy giữa hầm, chặn đường lưu thông của các xe. Xe cứu hộ được điều đến lần lượt kéo các xe ra ngoài.

“Ngập sâu ở làn bên phải, nếu ôtô chạy cẩn thận sẽ không sao. Xe nào không quen đường, chạy ẩu vào vùng ngập sâu là chết máy ngay. Đây là lần đầu tôi thấy hầm này bị ngập”, anh Trường tài xế xe container cho biết.

Ôtô băng qua nước ngập trong hầm. (Ảnh: VnExpress)

Hầm chui Mỹ Thủy dài 405 m, rộng 9 m, chia làm hai làn ôtô và được thông xe hồi cuối tháng 1. Công trình nằm trong gói dự án với tổng mức đầu tư 838 tỷ đồng từ ngân sách.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày may mắn và làm việc hiệu quả!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version