Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 15/10 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:
Chiến thắng trước U19 Trung Quốc, Việt Nam tự tin bước vào VCK U19 châu Á 2018
Chiều 14/10, trong trận đá tập với U19 Trung Quốc – màn thử lửa cuối cùng của U19 Việt Nam trước VCK U19 châu Á. Trên sân vận động Wibawa Mukti (Indonesia), nơi Olympic Việt Nam vừa thi đấu ở ASIAD 18, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn chơi ngang ngửa với đối thủ đến từ khu vực Đông Á, Báo VTC News đưa tin.
Trận đấu diễn ra với thế trận cân bằng và cả hai đội đều không tạo ra được nhiều cơ hội trong hiệp 1. Dù chưa có sự phục vụ của 4 cầu thủ CLB Hà Nội B nhưng sau nhiều nỗ lực, U19 Việt Nam cuối cùng cũng có được bàn thắng nhờ pha lập công của Nhâm Mạnh Dũng. Chung cuộc U19 Việt Nam giành chiến thắng với tỉ số 1-0.
Hôm nay (15/10), đội sẽ đón sự bổ sung quan trọng khi 4 cầu thủ trụ cột từ CLB Hà Nội B sang Indonesia hội quân cùng các đồng đội. (Chi tiết)
Truy tố Phan Văn Anh Vũ cùng 25 bị can trong vụ gây thiệt hại tại DAB
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng số 134/CTr-VKSTC-V3 truy tố bị can Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) cùng 25 bị can khác trong vụ án gây thiệt hại cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (viết tắt là DAB) hơn 3.600 tỷ đồng, theo báo Tiền Phong.
26 bị can bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố trong vụ án này gồm:
- Trần Phương Bình (sinh năm 1959, nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐ quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB);
- Nguyễn Thị Kim Xuyến (sinh năm 1958, nguyên Phó tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị DAB);
- Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79);
- Phạm Văn Phước (sinh năm 1962, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Nam Định);
- Nguyễn Đức Vinh (sinh năm 1966, nguyên Trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB);
- Đỗ Thanh Hùng (sinh năm 1978, nguyên Thủ quỹ Hội sở DAB);
- Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1959, nguyên Phó giám đốc DAB Sở giao dịch);
- Trần Thế Hùng (sinh năm 1961, nguyên Thủ quỹ DAB Sở giao dịch);
- Nguyễn Thị Kim Loan (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng kinh doanh Hội sở DAB);
- Nguyễn Thị Ái Lan (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ và có thuộc khối KD nguồn vốn DAB);
- Nguyễn Đỗ Thành Trung (sinh năm 1987, nguyên Phụ quỹ DAB Sở giao dịch);
- Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1968, nguyên Giám đốc DAB Sở giao dịch);
- Nguyễn Thị Ngọc Vân (sinh năm 1970, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB);
- Lê Kiên Giang (sinh năm 1977, nguyên Phụ quỹ Hội sở Ngân hàng DAB);
- Nguyễn Chí Công (sinh năm 1979, nguyên Phó trưởng phòng tín dụng DAB Sở giao dịch);
- Vũ Thị Thanh Hoa (sinh năm 1981, nguyên Phó trưởng phòng tín dụng DAB Sở giao dịch);
- Trang Tài Tâm (sinh năm 1984, nguyên cán bộ tín dụng DAB Sở giao dịch);
- Nguyễn Hồ Bảo Quốc (sinh năm 1975, nguyên Giám đốc DAB Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng);
- Võ Hoàng Đông (sinh năm 1983, nguyên Thủ quỹ DAB Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng);
- Quách Thành Sang (sinh năm 1988, nguyên Phụ quỹ DAB Sở giao dịch);
- Nguyễn Hồng Ánh (sinh năm 1961, trú tại phường Tân Phú, Quận 7, TP. HCM);
- Trương Hoàng Khải (sinh năm 1964, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Sao Việt Nam);
- Trương Quốc Tân (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hội tụ);
- Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1960, nguyên Trưởng ban kiểm soát DAB);
- Nguyễn Vinh Sơn (sinh năm 1959, Thành viên chuyên trách Ban kiểm soát DAB);
- Phan Thị Tố Loan (sinh năm 1970, Thành viên chuyên trách Ban kiểm soát DAB).
VKSND Tối cao đã truy tố hai bị can Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355, Khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, Khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hai bị can Phan Văn Anh Vũ và Phạm Văn Phước bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355, Khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ba bị can Nguyễn Thị Cúc, Phan Thị Tố Loan, Nguyễn Vinh Sơn bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, Khoản 2 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
19 bị can còn lại bị VKSND Tối cao truy tố về cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, Khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đi offline, 43 chiếc Suzuki Raider bị bắt ở Bình Dương
Sáng 14/10, Đội tuần tra của phòng cảnh sát giao thông Bình Dương đã lập biên bản và tạm giữ 43 chiếc Suzuki Raider tại khu vực ngã 6 Thủ Dầu Một. Đoàn xe có 68 chiếc, thuộc câu lạc bộ Suzuki Raider Bình Dương. Nhóm này tụ họp để tham gia một chương trình của hãng Suzuki tổ chức tại trường đua 2K cách đó chừng 10 km, theo báo Zing.
Theo đại diện phòng CSGT Bình Dương, dàn xe này tụ tập, dựng hàng ngang dưới lòng đường, cản trở giao thông. Khi kiểm tra, nhiều chủ xe không có giấy tờ gốc, một số khác chưa có biển số. Nhiều chiếc không gắn gương hay ống xả không có bộ phận giảm thanh.
Khi đội tuần tra lập biên bản, một số đối tượng bất hợp tác, quay phim, livestream, lớn tiếng phản đối. Sau khi được giải thích về luật, nhóm này đã chấp hành. Hiện số xe kể trên đã được cảnh sát giao thông Bình Dương tạm giữ để tiếp tục xử lý.
Ngã 6 Thủ Dầu Một, Bình Dương là địa điểm giới chơi xe thường xuyên tụ tập đi “bão đêm” thành đoàn, dàn hàng ngang, lạng lách và rú ga trên đường. Đa số đều là xe côn tay như Yamaha Exciter hay Suzuki Raider gắn ống xả có âm thanh lớn.
Báo động mới nhất về ô nhiễm không khí ở TP. HCM
Ngày 14/10, hội thảo “Môi trường không khí và các bệnh có liên quan” do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP. HCM và Hội Y học TP. HCM phối hợp tổ chức đã “nhận” được nhiều cảnh báo về vấn đề ô nhiễm không khí, theo Người Lao Động.
PGS.TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. HCM cảnh báo, ô nhiễm là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh tật và chết sớm trên toàn thế giới. PGS Tuyết Lan dẫn chứng thống kê tại TP. HCM vào năm 2016-2017 cho thấy, có tới 27% khoảng thời gian trong ngày, chỉ số AQI của TP. HCM vượt quá mốc 100.
Theo website Air Now của EPA, không khí được gọi là “tốt”, không gây ra rủi ro sức khỏe khi chỉ số AQI ở mức 0-50. Ở mức 51-100, không khí được cho là “chấp nhận được”, tuy nhiên sẽ có nguy cơ với một số người, đặc biệt là nhóm nhạy cảm. Chỉ số AQI trên 100, không khí được cho là “không khỏe mạnh” từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng.
Tuy nhiên tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn nghiêm ngặt hơn. Theo WHO, chỉ số PM 2.5 trong 24 giờ trên 25 đã là không lành mạnh. Nếu chỉ số đạt khoảng 37,5, nguy cơ tử vong sẽ tăng 1,2% trong ngắn hạn. Nếu tính trung bình năm, chỉ số PM 2.5 tiêu chuẩn chỉ là 10, ở mức 35, nguy cơ tử vong sớm dài hạn lên tới 15%. Trong khi đó, AQI 100 tương ứng với PM 2.5 là 35,4.
Theo một nghiên cứu khác công bố trong hội thảo 14/10 của tiến sĩ Vũ Xuân Đán (Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường TP. HCM) và tiến sĩ Trương Thanh Cảnh (Đại học Khoa học tự nhiên TP. HCM), mức PM 2.5 bên ngoài nhà dân ở TP. HCM có trị số tối thiểu và tối đa là 15,4 và 75,66; trong nhà là 15,57 đến 128,95.
Các nguyên nhân ô nhiễm không khí hàng đầu ở TP. HCM được nhóm tác giả này thống kê là từ các phương tiện vận tải, từ đất cát, từ đại dương, do đốt dầu, do các ngành công nghiệp luyện kim.
Một số tác giả khác cho rằng sở dĩ TP. HCM ô nhiễm cả trong nhà là vì một số người dân giữ thói quen hút thuốc lá và dùng chất đốt khác (ví dụ như bếp) mà không có phương tiện lọc khí phù hợp trong nhà.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một ngày làm việc hiệu quả!
———–
Đại Kỷ Nguyên News