Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG ngày 12/10: Tổng cục Đường bộ ra ‘tối hậu thư’ với chủ đầu tư cao tốc 34.500 tỷ, Miền Bắc nhiều nơi dưới 13 độ C

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 12/10 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Tổng cục Đường bộ ra ‘tối hậu thư’ với chủ đầu tư cao tốc 34.500 tỷ

Chiều 11/10, trao đổi với Zing, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khi kiểm tra thực địa tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cho biết, đây là chuyến thực địa thứ 2 của đơn vị trong vòng 3 ngày qua.

Theo đó, đoàn công tác nhận định, từ vị trí Km0 đến Km65 xuất hiện hư hỏng mặt đường dạng bong bật giống như “ổ gà” (bong bật lớp tạo nhám VTO dày 3 cm) nằm rãi rác. Cá biệt có một số vị trí “ổ gà” sâu đến 8 cm, một số vị trí mặt đường đầu cầu bị lún (như cầu OP03 km 13+615…).

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. (Ảnh: Zing)

Đến chiều cùng ngày, các nhà thầu đã khắc phục gần xong những vị trí hư hỏng. “Các công nhận dùng bê tông nhựa vá lại chỗ bị lún”, ông Bình nói và cho biết giải pháp này chỉ là tạm thời.

Theo ông Bình, nhiều ngày qua các nhà thầu cử người ra cao tốc hướng dẫn chủ phương tiện lưu thông, nhưng thiết bị hỗ trợ (gậy, còi, băng đỏ…) không đảm bảo. Khi lưu thông trên cao tốc, ôtô chạy với vận tốc 120 km/h. Do đó, việc cử người ra đứng trên đường cao tốc là rất nguy hiểm.

Cũng trong chiều cùng ngày, ông Bình ký văn bản hỏa tốc gửi Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam. Theo đó, Cục quản lý đường bộ III yêu cầu chậm nhất đến 20/10 chủ đầu tư phải khắc phục triệt để những vị trí hư hỏng như kết cấu hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.

“Chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương lắp đặt ngay các biển cảnh báo nguy hiểm. Khi mặt đường xuất hiện hư hỏng, các đơn vị liên quan phải chủ động xử lý ngay để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc khi có phát sinh…”, ông Bình thông tin.

Công nhân sửa chữa những vị trí hư hỏng trên cao tốc. (Ảnh: Zing)

Sân bay Vân Đồn dự kiến khai thác từ ngày 25/12

Trên Báo VnExpress, sáng 11/9, ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự kiến ngày 25/12, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ bay chuyến đầu tiên. Dự án thi công cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch. Tỉnh đang phối hợp cùng nhà đầu tư gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, công bố mở cảng, .

Theo kế hoạch, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ nghiệm thu Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn từ ngày 15 đến 30/10. 

Chuyến bay hiệu chuẩn đầu tiên đến Vân Đồn ngày 11/7. (Ảnh: VnExpress)

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư xây dựng tại xã Đoàn Kết (Vân Đồn, Quảng Ninh) trên diện tích 325 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng.

Nhà ga của Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn có thiết kế mái vòm màu đỏ, được lấy cảm hứng từ hình ảnh cánh buồm. Sân bay với công suất 2,5 triệu khách/năm giai đoạn đến năm 2020, giờ cao điểm có thể đạt 1.250 hành khách/giờ. Dự kiến, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ có 9 tuyến bay với khả năng đón khoảng 7.000 lượt khách mỗi ngày.

Xe buýt nhanh ở Hà Nội bắt đầu áp dụng vé điện tử

Sáng 10/10, Tổng công ty Vận tải Hà Nội bắt đầu thí điểm hệ thống vé điện tử trên tuyến xe buýt nhanh BRT, theo báo VnExpress.

Tại cổng kiểm soát ra vào của 23 nhà chờ dọc tuyến, hệ thống camera giám sát, thiết bị bán vé và đường truyền internet được lắp đặt. Cạnh đó, các nhân viên chủ động hướng dẫn hành khách sử dụng vé điện tử.

Nhiều hành khách bắt đầu trải nghiệm dịch vụ vé điện tử. (Ảnh: VnExpress)

Anh Nguyễn Văn Tuyến, hành khách ở Hà Đông chia sẻ, dùng vé tháng điện tử rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian. “Đáng ra Hà Nội làm ngay từ khi tuyến BRT mới đưa vào hoạt động để thu hút hành khách”, anh nói.

Hành khách mất một giây quẹt thẻ để cửa tự động mở rồi vào nhà chờ xe buýt. (Ảnh: VnExpress)

Lãnh đạo Tổng công ty vận tải Hà Nội thông tin, ngoài hệ thống vé điện tử, đơn vị đang xây dựng phần mềm phát hành thẻ, nạp tiền và quản trị dữ liệu khách hàng.

Dự kiến sau thời gian thí điểm, đơn vị sẽ tổng kết đánh giá, hoàn thiện giải pháp công nghệ và trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án, triển khai nhân rộng trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá.

Tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng); dài 14,77 km, sử dụng 26 xe. Dọc tuyến có 21 nhà chờ và hai điểm đầu cuối hoạt động trong làn đường dành riêng. Xe buýt nhanh có tốc độ trung bình trên tuyến gần 20 km/giờ.

Miền Bắc nhiều nơi dưới 13 độ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, gió mùa đông bắc đã bao phủ toàn bộ miền Bắc, nền nhiệt sáng nay (12/10) ở vùng núi giảm tiếp 1-2 độ so với sáng qua. Vùng núi cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) xấp xỉ 11 độ; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) trên 11 độ; Sìn Hồ (Lai Châu), Pha Đin (Điện Biên), Đồng Văn (Hà Giang) trên 12 độ.

Mù Cang Chải (Yên Bái) nhiệt độ sáng 11/10 là 16 độ C. (Ảnh: VnExpress)

Trung du và đồng bắc Bắc Bộ sáng nay đã dứt mưa, nhiệt độ nhích lên khoảng một độ so với sáng qua. Tại Hà Nội, hai trạm khí tượng Hoài Đức, Ba Vì ghi nhận mức nhiệt 20 độ, cao nhất là trạm Láng 22 độ.

Gió mùa đông bắc tràn đến miền Trung gây mưa rào và giông nhiều nơi, riêng khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi mưa to. Nhiệt độ sáng nay có sự phân hóa rõ rệt, phía bắc đèo Hải Vân từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế 19-23, phía nam đèo Hải Vân từ Đà Nẵng đến Bình Thuận khoảng 21-25.

Cơ quan khí tượng dự báo, do trời hửng nắng, nhiệt độ miền Bắc hôm nay sẽ tăng, cao nhất khoảng 26 độ, riêng vùng núi cao trên 1.500 m khoảng 15 độ. Kiểu trời nắng hanh, độ ẩm không khí thấp sẽ tái diễn.

Từ thứ sáu 12/10, gió mùa đông bắc suy yếu, nhiệt độ miền Bắc và miền Trung tăng nhanh. Hà Nội dao động 21-28 độ; đến chủ nhật khoảng 24-31 độ.

Từ nay đến thứ bảy 13/10, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi tiếp tục mưa, phổ biến 20-50 mm trong 24 giờ. Các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế khả năng xuất hiện lũ nhỏ, biên độ lũ lên 1-3 m.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một ngày làm việc hiệu quả!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version