Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG: Khởi tố vụ thuốc ung thư làm từ than tre, Trả lại tiền ‘thuế bò gặm cỏ’ trước ngày 30/4

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 21/4 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Khởi tố vụ án thuốc Vinaca ung thư CO3.2 làm từ than tre

Ngày 20/4, ông Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết, cơ quan CSĐT vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn hán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” xảy ra tại cơ sở sản xuất của Đào Thị Chúc (trú tại tổ dân phố Tiến Bộ, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng), liên quan đến nhãn hàng Vinaca, theo Zing.

Thuốc Vinaca ung thư CO3.2 làm từ than tre. (Ảnh: Lao Động)

Trước đó, ngày 15/1, đoàn kiểm tra liên ngành quận Kiến An kiểm tra cơ sở sản xuất của bà Chúc. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở có 10 công nhân đang tạo viên nang, dán nhãn, đóng gói sản phẩm dưới sự quản lý trực tiếp của Đào Thị Chúc.

Đoàn kiểm tra đã thu giữ các sản phẩm như: Vinaca ung thư CO3.2, Vinaca Vi5, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca Baby Vi6, Vinaca vi lượng, Vinaca đa dụng và một số bột cùng chất lỏng không nhãn mác khác.

Chủ cơ sở Đào Thị Chúc không xuất trình được các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của việc sản xuất nói trên và không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, hàng hóa tại cơ sở.

Đốt tre nứa để lấy than làm thuốc trị ung thư. (Ảnh: Tùng Chi)

Lời khai của Chúc tại cơ quan điều tra cho thấy người này mượn giấy tờ pháp lý của Công ty TNHH Hồng An Phong, do Nguyễn Văn Tuấn (33 tuổi, trú tại thôn Hòang Lâu, xã Hồng Phong, An Dương, Hải Phòng) làm giám đốc.

Đầu tháng 4, Sở Y tế Hải Phòng tiếp tục kiểm tra cơ sở do Nguyễn Văn Tuấn làm giám đốc và phát hiện tại đây đang sản xuất bột than tre. Theo lời Tuấn, số bột than này sẽ được chuyển cho công ty Vinaca, do chồng bà Chúc là Nguyễn Xuân Thu làm giám đốc.

Tài xế bẻ lái đâm dải phân cách cứu người trong gang tấc trải lòng về quyết định của mình

Trưa 17/4, trên Quốc lộ 1A đoạn qua thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, xe container biển số 78C do tài xế Nguyễn Công Đoàn (37 tuổi, quê Phú Yên) điều khiển chạy hướng nam – bắc, thì gặp xe máy do chị Lê Thị Thanh (quê xã Mỹ Trinh) điều khiển đi phía trước cùng chiều đột ngột băng qua đường, theo Thanh Niên.

Tài xế container đã cho xe leo lên dải phân cách để cứu người. (Ảnh: Thanh Niên)

Thấy xe container đến gần, chị Thanh hoảng sợ nên cả người và xe ngã xuống đường. Gặp tình huống bất ngờ, tài xế Đoàn đã lách xe tông ngã biển báo giao thông rồi leo lên dải phân cách. Rất may, chị Thanh chỉ bị xây xát nhẹ.

Anh Đoàn chia sẻ: “Từ đâu, xe máy bất ngờ băng qua đường, rồi ngã xuống. Lúc này, theo quán tính tôi đạp phanh, cố đánh vô lăng hết về phía tài nên bánh xe leo lên dải phân cách giữa đường. Lúc đó, tôi ngồi trên xe nên CSGT đến mở cửa cho tôi xuống. Nhiều người đến sơ cứu vết thương cho chị Thanh”.

Theo anh Đoàn, ai là tài xế đều làm vậy cả, bởi đây là đạo đức, lương tâm của người cầm lái. Hơn nữa, khi xảy ra những tình huống như vậy, người tài xế thường ưu tiên cứu người, còn xe có hư hỏng thì sửa chữa lại, chứ mạng người mất đi thì vĩnh viễn không làm sao cứu lại được. Bất đắc dĩ lắm đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu được thì mới đành chịu, chứ còn xử lý được đều cố gắng làm tất cả.

Sau khi được xử lý, anh Đoàn tiếp tục điều khiển xe hàng đến tỉnh Lào Cai để giao hàng cho khách hàng. Phải hơn 1 tuần nữa, anh Đoàn mới quay trở vào Bình Định để làm các thủ tục bảo hiểm sửa chữa xe.

Phải trả lại tiền ‘thuế bò gặm cỏ’ trước ngày 30/4

Chiều tối 20/4, TP Thanh Hóa có công văn gửi Sở Thông tin truyền thông tỉnh Thanh Hóa về kết quả xác minh vụ việc hợp tác xã (HTX) dịch vụ Minh Anh, xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) thu phí đồng cỏ, thu tiền thế chấp của các hộ dân chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn xã thời gian qua, theo Tuổi Trẻ.

Người dân xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa rất bức xúc về việc HTX dịch vụ Minh Anh thu tiền phí đồng cỏ, tiền đặt cọc của các hộ chăn nuôi trâu, bò. (Ảnh: Hà Đồng)

Việc HTX dịch vụ Minh Anh thu phí đồng cỏ với mức 100.000 đồng/gia súc/năm và khoản tiền đặt cọc (tùy số lượng trâu, bò) đối với người chăn nuôi, trâu bò là trái quy định của Nhà nước.

Do vậy, TP đã chỉ đạo, yêu cầu HTX dịch vụ Minh Anh phải hoàn trả lại các khoản thu trên cho các hộ dân xong trước ngày 30/4.

TP Thanh Hóa nghiêm cấm các địa phương thu các khoản tiền của người dân trái với quy định; đồng thời yêu cầu các xã, phường rà soát lại các khoản thu trên địa bàn, để chấn chỉnh kịp thời các khoản thu không đúng quy định.

Xã Thiệu Dương hiện có hơn 3.000 hộ dân, trong đó có hơn 2.000 hộ dân sản xuất nông nghiệp. Toàn xã hiện có 15 hộ chăn nuôi trâu, bò, với tổng số đàn trâu, bò của xã là 100 con.

Tại cuộc họp xã viên HTX dịch vụ Minh Anh những năm trước đây, có 13/15 hộ dân chăn nuôi trâu, bò đưa ra nội quy là đóng tiền đặt cọc để đảm bảo việc trâu, bò không phá hoại hoa màu, tài sản của nhân dân, công trình phúc lợi trên địa bàn xã.

Nếu cuối năm, trâu, bò không phá hoại hoa màu, tài sản của dân, công trình phúc lợi thì HTX sẽ hoàn trả lại số tiền đặt cọc cho người dân.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version