Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG: Hải quân Mỹ huấn luyện cứu nạn trên biển Nha Trang, Nước nơi 1.500 tấn cá chết trên sông La Ngà có khí độc vượt mức

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 23/5 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau: 

Hải quân Mỹ huấn luyện cứu nạn trên biển Nha Trang

Chiều 22/5, lực lượng Hải quân Mỹ và tình nguyện viên trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2018 (PP18) tập huấn an toàn dưới nước và kỹ năng cứu nạn cho cộng đồng, theo Zing.

Trong buổi tập huấn, Hải quân Mỹ huấn luyện đội cứu hộ bờ biển Nha Trang cách tiếp cận, di chuyển và cứu hộ một số trường hợp bị đuối nước trên biển.

Hải quân Mỹ tập huấn cứu người bị đuối nước. (Ảnh:  An Bình)

Trung sĩ Douglas Jackson (Hải quân Mỹ) chia sẻ: “Chúng tôi không trang bị kiến thức mới, mà củng cố về hồi sức tim, phổi cách tốt nhất, nhanh nhất cho nhân viên cứu hộ Việt Nam”.

Được biết, buổi tập huấn là một trong số các hoạt động của PP18 tại Khánh Hòa. Chương trình có 14 sự kiện liên quan đến huấn luyện và đào tạo về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; 20 sự kiện về quan hệ cộng đồng.

Ngoài ra, có hơn 100 sự kiện về hợp tác y tế. Tất cả hướng tới việc tăng cường khả năng ứng phó thảm họa, thiên tai cho các nước tham gia.

Bộ trưởng GTVT lý giải việc dùng từ “thu giá BOT”

Chiều 22/5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã trao đổi với báo chí xung quanh việc các trạm thu phí BOT được đổi tên thành “trạm thu giá” trong thời gian qua, theo VnExpress.

“Việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất Nhà nước”, ông Thể nói.

Theo Bộ trưởng Thể, việc thu phí thuộc thẩm quyền của HĐND địa phương và bộ ngành liên quan, do đó trước đây khi muốn điều chỉnh phí BOT thì rất khó khăn và chậm do phải thông qua các cơ quan đó.

Khi chuyển sang “thu giá”, về bản chất lợi ích nhà đầu tư thu được vẫn như trước, nhưng việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng hơn để đáp ứng điều kiện từng trạm thu tuỳ theo vị trí, khu vực; thậm chí có thể giảm giá để cân đối phương án tài chính.

“Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.  (Ảnh: Võ Hải)

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định, sau khi chuyển đổi từ phí sang giá BOT, mức giá này sẽ căn cứ theo quy luật thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo hài hoà lợi ích người dân, doanh nghiệp. 

Nghĩa là, “sản phẩm BOT” do doanh nghiệp làm ra nhưng không phải doanh nghiệp muốn quyết giá bao nhiêu cũng được mà sẽ ký hợp đồng với Bộ GTVT.

Theo đó, Bộ có trách nhiệm giám sát quá trình thu giá, vì vậy có những trạm BOT đã giảm từ 35.000 đồng mỗi lượt xuống còn 15.000 đồng.

Trường hợp doanh nghiệp muốn tăng giá thì phải đăng ký với Bộ, sau khi xem xét, nếu thấy hợp lý, cơ quan quản lý Nhà nước mới cho phép điều chỉnh. 

Hiện, trạm thu giá BOT nào có điều kiện giảm giá, Bộ GTVT đều cố gắng giảm tới mức thấp nhất để hỗ trợ chi phí cho người dân. 

“Sản phẩm nào cũng phải đem lại hiệu quả kinh doanh, dự án BOT do doanh nghiệp bỏ vốn toàn bộ thì cũng cần có phương án hoàn vốn. Trường hợp này Nhà nước cố gắng điều chỉnh thấp nhất, tạo điều kiện cho xã hội”, ông Thể nói thêm. 

Trạm thu giá Bến Thuỷ (Nghệ An). (Ảnh:  Nguyễn Hải)

Chia sẻ trước đó, ông Đỗ Văn Quốc – Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, trước đây các dự án BOT giao thông được quản lý theo hình thức thu phí. Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng với từng dự án. 

Theo quy định Luật phí và lệ phí, từ 1/1/2017 phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định.

Bộ GTVT có thẩm quyền ban hành mức giá trần dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, còn UBND cấp tỉnh quy định giá với đường địa phương.

Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa.

Nước nơi 1.500 tấn cá chết trên sông La Ngà có khí độc vượt mức

Chiều 22/5, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, kết quả kiểm tra mẫu nước tại hiện trường cá chết trên sông La Ngà (huyện Định Quán) cho thấy, nồng độ NH4 (Amoni), NO2 (Nitrite) vượt giới hạn cho phép nhiều lần, theo VnExpress.

Cụ thể, hàm lượng NH4 vượt mức giới hạn cho phép của cá nuôi 5,6 -11 lần, hàm lượng NO2 vượt giới hạn cho phép 10-20 lần (theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì NH4 < 0,9 mg/lít; NO2=0,05mg/lít).

Ngoài ra, hàm lượng oxy hòa tan (DO) đều thấp, dao động khoảng 2,6-3,2 mg/lít (hàm lượng DO tối ưu khuyến cáo cho cá nuôi từ 4 mg/lít trở lên).

Đến chiều 22/5, cá chết trắng trong bè vẫn chưa vớt hết. (Ảnh:  Phước Tuấn)

Theo Sở NN&PTNT, trước khi cá chết, trên địa bàn có mưa lớn kéo dài hơn 7 tiếng. Lượng nước từ thượng nguồn chảy về có thể cuốn theo các chất ô nhiễm làm tăng tính độc của một số khí như NH3, H2S, CH4, NO2… dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt. 

“Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể phải chờ sau khi có kết quả phân tích nguồn nước, các mẫu cá”, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT nói.

Ông Vinh cho rằng, nếu nguyên nhân cá chết là do thiên tai thì khoảng 80 hộ dân bị thiệt hại sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ để khôi phục sản xuất.

Với thiệt hại hơn 1.500 tấn cá, số tiền hỗ trợ có thể hơn 10 tỷ đồng. Còn nếu phát hiện xả thải gây ô nhiễm do con người thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật về môi trường.

Tp.HCM lùi ngày thu phí ô tô dưới lòng đường bằng công nghệ

Từ ngày 1/6, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.HCM áp dụng mức thu phí mới trên 35 tuyến đường theo hình thức thủ công, thu lũy tiến theo giờ với mức 20.000-30.000 đồng/xe cho giờ đầu tiên. Những xe đậu tới 5 giờ, mức phí có thể lên tới 170.000 đồng/xe.

Tuy nhiên, theo đề xuất của Sở GTVT Tp.HCM tới UBND Tp, mức giá đỗ xe mới vẫn được áp dụng từ ngày 1/6 nhưng sẽ thực hiện theo hình thức thủ công, việc thu phí bằng công nghệ mới với mức giá mới sẽ áp dụng từ 1/8.

Cụ thể, Sở GTVT đề xuất lùi ngày thu phí bằng công nghệ vì UBND thành phố chưa ban hành kế hoạch triển khai, sau khi HĐND đã có nghị quyết.

Bãi đậu xe có thu phí ở công viên 23/9 (quận 1) luôn kín ô tô. (Ảnh: Thanh Niên)

Do đó, Sở GTVT chưa thể áp dụng công nghệ trong thu phí như: Ký hợp hợp đồng với đối tác đầu tư mua sắm, vận hành thiết bị; làm việc với các công ty viễn thông về chi phí nhắn tin, tỉ lệ chi trả cho các đơn vị…

Trước đó, ngày 16/3, HĐND Tp.HCM ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu ô tô trên địa bàn.

Hiện, Tp.HCM thu mức phí đậu ô tô tạm ở lòng đường là 5.000 đồng/lượt, được xem là quá thấp trong tình trạng khan hiếm bến bãi.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày may mắn và làm việc hiệu quả!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version