Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG: Chuyện cổ tích giữa đời thực, Giá xe máy đồng loạt giảm mạnh, Trai làng đất tổ hò hét bắt lợn cầu may

Câu chuyện cổ tích giữa đời thực: Em bé tật nguyền trong giá lạnh 'thay da đổi thịt' sau 2 tháng ở với bố mẹ nuôi. (Ảnh: VnExpress)

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 22/2 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Câu chuyện cổ tích giữa đời thực: Em bé tật nguyền trong giá lạnh ‘thay da đổi thịt’ sau 2 tháng ở với bố mẹ nuôi

Bé Vàng Thị Pàng (6 tuổi, quê Mường Lát, Thanh Hóa), cô bé từng khiến nhiều người nhói tim sau clip ngồi co ro giữa thời tiết giá lạnh cuối tháng 12/2017, vừa đón một cái Tết ấm áp.

Hai tháng nay, bé được gia đình anh chị Ngọc Phương – Quốc Tín ở TP. HCM cưu mang, được chăm sóc và chữa bệnh. Hiện, bé Pàng có một cuộc sống hoàn toàn thay đổi.

Từ một đứa trẻ trần truồng, co ro trong giá rét, bé Pàng nay đã thay da đổi thịt, có được cuộc sống ấm no bên bố mẹ nuôi và các anh chị trong gia đình.

Cuộc sống của bé Pàng đã thay đổi.

Bạn Lưu Tuấn Hoàng nói: “Em đã tìm được những ông Bụt của cuộc đời. Cảm ơn những người đã cưu mang em để em có được một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc hơn như thế. Mong em có nhiều sức khỏe và sớm lớn khôn”.

“Nhìn em cười như thế thấy thật hạnh phúc. Đây có lẽ là cái Tết ấm no nhất của em từ trước đến nay. Mong em cứ hồn nhiên như thế và sớm khỏi bệnh”, bạn Quỳnh Trang chia sẻ.

Bé Pàng có cuộc sống hạnh phúc bên bố mẹ nuôi.

Được biết, bé Pàng không thể đi lại được vì đôi chân tật nguyền. Bé đã 6 tuổi nhưng thân hình nhỏ bé như mới lên 3. Gia đình bé Pàng có hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện chữa trị cho em.

Sau khi clip em ngồi co ro trong giá lạnh được một tài xế ghi lại, vợ chồng chị Jerry Phương (tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Phương, sinh năm 1987) và anh Huỳnh Quốc Tín (sinh năm 1984) ở TP. HCM đã đến tận nơi Pàng sinh sống để thăm hỏi.

Họ ngỏ ý được đưa bé vào Sài Gòn để chăm sóc và chữa trị đôi chân. Tin vui đến với Pàng khi bé được bác sĩ chẩn đoán có thể chữa lành đôi chân. Câu chuyện cổ tích giữa đời thực này từng gây xúc động cho nhiều người đầu năm 2018.

Hành trình tìm lại những bước chân cho bé Pàng đang được anh chị Phương – Tín nỗ lực. Bé đang được chăm sóc trong điều kiện đủ đầy và đôi chân tiếp tục được điều trị. Bố mẹ nuôi của bé hy vọng, tin tưởng sẽ có ngày con gái chạy nhảy được như những anh chị em khác.

Giá xe máy đồng loạt giảm mạnh sau Tết Nguyên đán

Thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu của người dân về xe luôn có xu hướng giảm, thị trường giai đoạn này gần như đóng băng khiến các đại lý buộc giảm giá để kích cầu.

Hàng năm, thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá xe máy luôn ở ngưỡng cao ngất ngưởng. Cụ thể, vào ngày 26 Tết Âm lịch, giá xe máy tại Hà Nội và TP. HCM đột ngột tăng cao, theo VTC News.

Trong đó, mẫu xe “vua làm giá” Honda SH, mức giá cao kỷ lục lên tới 123 triệu đồng cho phiên bản 150cc ABS, chênh tới 24 triệu đồng so với giá đề xuất của Honda Việt Nam (HVN).

Tại Hà Nội, giá xe SH có mức chênh dưới 20 triệu đồng, tuy nhiên, so với giá bán trung bình mỗi tháng vẫn cao hơn 1-3 triệu đồng.

Không chỉ riêng mẫu xe tay ga SH, các mẫu xe khác của Honda cũng trong tình trạng tương tự. Tại một số đại lý do Honda ủy quyền tại Hà Nội,

Không chỉ Honda, mẫu xe côn tay số 1 tại thị trường Việt Nam là Yamaha Exciter cũng tăng khoảng 500.000 đồng – 1 triệu đồng so với thời điểm cuối tháng 1. Theo đó, giá bán Exciter RC, GP, xanh xám, xanh đen đều bán ra cao hơn đề xuất từ 1,5-4,5 triệu đồng.

Ngay sau Tết, nhu cầu mua sắm của người dân giảm hẳn, thị trường mua sắm gần như đóng băng, đặc biệt là các mặt hàng đắt tiền. Thị trường mua sắm dịp sau Tết rơi vào tình trạng ảm đạm có thể kéo dài tới tháng 4, tháng 5 (đầu hè).

Một số đại lý Honda cho biết, vào ngày 21/2, các cửa hàng sẽ hoạt động trở lại sau khi nghỉ Tết, giá bán của một số dòng xe cũng sẽ được điều chỉnh lại theo chiều hướng giảm.

Đặc biệt, mẫu xe SH sẽ ngay lập tức hạ nhiệt, giảm 1-4 triệu đồng so với thời điểm trước Tết. Cụ thể:

Mẫu xe tay côn Winner vẫn duy trì giá bán thấp, giá bán thực tế của Winner tại đại lý là 38-39 triệu đồng (bản thể thao) và 39-40 triệu đồng (bản cao cấp), thấp hơn giá đề xuất 6 – 7 triệu đồng.

Mẫu xe tay côn Winner vẫn duy trì giá bán thấp, giá bán thực tế của Winner tại đại lý là 38-39 triệu đồng (bản thể thao) và 39-40 triệu đồng (bản cao cấp), thấp hơn giá đề xuất 6-7 triệu đồng. (Ảnh: VTC)

Giá bán các mẫu xe Yamaha cũng được điều chỉnh giảm nhẹ nhưng không đáng kể.

Một đại lý Honda cho biết, giá xe máy nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới và có thể giảm sâu hơn. Đây chính là thời điểm vàng để mua sắm, nếu kinh phí khách hàng có phần eo hẹp.

Đã bắt được ‘cá lạ’ nặng 3,2 kg

Sáng 21/2, con cá mà người dân cho là “cá lạ” ở xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An đã được người dân dùng lưới bắt. Dù vậy, người dân vẫn ùn ùn kéo nhau đi xem.

Con cá mà người dân cho là “cá lạ” thực chất là con cá chép, có trọng lượng 3,2kg. Sau khi bắt lên bờ, con cá này được đưa về gia đình ông Nguyễn Bá Dược (50 tuổi, ngụ xóm Hòa Thiện, xã Hiến Sơn) để nuôi trong một bể nước có máy tạo oxy.

Ông Dược cho biết, sau khi ông bắt con cá lên bờ, có người trả hơn 3 triệu đồng để mua nhưng ông không đồng ý. Hiện, ông Dược cũng chưa tính phương án xử lý con cá này.

Nhiều người dân tập trung xem cá tại nhà ông Dược. (Ảnh: Doãn Hòa)

Mặc dù xác định đây là con cá chép nhưng hàng trăm lượt người dân trong và ngoài xã Hiến Sơn vẫn tiếp tục ùn ùn kéo nhau tới gia đình ông Dược để xem vì cho rằng đây là “con cá thần”, theo Tuổi Trẻ.

Một số người còn dùng điện thoại để quay lại cảnh con cá bơi trong nước. Khu vực con cá này xuất hiện là một mương nước rộng chừng 3m vẫn còn nhiều hoa, bánh kẹo, nhang của người dân cúng.

Mương nước nơi xuất hiện con cá. Trưa 21/2, người dân không còn tụ tập đông người sau khi con cá được bắt lên bờ. (Ảnh: Doãn Hòa)

Trước đó, từ ngày 16/2 (mùng 1 tết) đến chiều 20/2 (mùng 5 tết), mỗi ngày có hàng trăm lượt người dân đổ xô đến khu vực mương nước xóm Hòa Thanh, xã Hiến Sơn để xem con cá sau thông tin một người dân dùng kích điện bắt con cá này nhưng không được.

Con cá này liên tục nổi lên, lặn xuống quanh quẩn ở một khu vực trong kênh nước nên nhiều người dân cho đó là “cá lạ” nên không ai dám bắt.

Bánh kẹo, hoa, nhang được người dân thắp tại mương nước vì cho rằng đây là con “cá lạ”. (Ảnh: Doãn Hòa)
Con cá chép nặng khoảng 3,2kg. (Ảnh: Doãn Hòa)

Trai làng đất tổ hò hét bắt lợn cầu may dịp đầu năm

Hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 tết, người dân làng Hà Thạch (Phú Thọ) lại náo nhiệt vui nhộn tham gia hội Lễ hội bắt lợn Ông Cầu. Trong lễ hội có nhiều phần nhưng điểm nhấn chính là hàng chục thanh niên tham gia bắt lợn lấy may đầu năm, theo VnExpress.

Tương truyền, vào thời Vua Hùng, các lạc hầu, lạc tướng thường tổ chức những cuộc đi săn lợn rừng tại vùng đất Hà Thạch để rèn luyện thể lực cho quân sĩ và khao quân sau mỗi lần thắng trận.

Xuân Mậu Tuất 2018, khu 5 được chọn để tổ chức lễ hội. Gia đình ông Trần Văn Thành và ông Trần Văn Hoàng là hai gia đình được xét chọn chăm sóc hai ông Cầu trước mùa lễ hội.

“Để được xét chọn nuôi lợn, gia đình phải đạt tiêu chuẩn: Không có tang, gia đình văn hoá, đủ vợ đủ chồng, con cái có trai có gái. Đây là điều vinh dự của gia đình cũng như họ tộc bởi mỗi gia đình chỉ một lần duy nhất được chọn làm việc này”, ông Trần Văn Thành nói.

Được biết, ông Cầu phải là lợn đực, đen tuyền, đen từ da, lông đến tận móng, mũi… Từ ngày 23 tháng Chạp, ông Cầu sẽ được đưa về nhà mới để nuôi chế độ ăn đặc biệt là cháo hoa. Ngày mùng 5, lợn ăn hoa quả bánh kẹo để giữ thanh khiết, sạch sẽ.

“Nhà” của ông Cầu được làm bằng khung tre, lợp lá cọ, trên nóc phải dựng cờ lễ, hai thanh đao đưa từ đền Trung và đền Nam dựng trên nóc, cửa hướng về phía đền.

“Trải qua những thăng trầm của lịch sử, lễ hội bắt lợn Ông Cầu có những thay đổi, từ năm 1949 lễ hội bị gián đoạn, đến năm 1997 lễ hội được phục dựng theo nguyên gốc nghi lễ cổ”, ông Hà Đình Duyệt, Chủ tế khu 5 xã Hà Thạch cho biết.

15h sau khi làm lễ xong, 10 thanh niên trai tráng được tuyển chọn kỹ lưỡng theo truyền thống sẽ đưa ông Cầu ra khỏi ngôi nhà cọ.

Hai ông Cầu được rước quanh làng, quãng đường khoảng gần 1km. Vừa đi người dân vừa reo hò và nâng cao ông Cầu lên khỏi mặt đất.

Ngay sau khi ra đến sân của làng, ông lợn được thả ra sân cho người dân đuổi bắt và vuốt ve.

Người dân làng Hà Thạch có quan niệm, ai bắt được hoặc chạm vào ông Cầu thì gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt…

Sau hơn 30 phút đuổi bắt, ông lợn được trai tráng đưa lại về chuồng.

Ông Lê Trụ, Phó ban Di tích xã Hà Thạch cho biết, ngoài việc tưởng nhớ công ơn các vị tướng thời Vua Hùng đã có công với dân làng, lễ hội bắt lợn Ông Cầu nhằm tái hiện lại hình ảnh vua Hùng bắt lợn khao quân và rèn luyện sức khoẻ binh lính….

Kết thúc phần hội, hai ông lợn tiếp tục được rước về đình Nam và đình Trung để làm nghi thức tế Thần và Thành Hoàng Làng vào nửa đêm.

—-

Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Khôi Minh

Exit mobile version