Đại Kỷ Nguyên

CHÀO BUỔI SÁNG: Bán thuốc giả có thể bị phạt tới án tử hình, Tòa nhà 130 tuổi ở Sài Gòn có nguy cơ bị phá bỏ

Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 2/5 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Tòa nhà 130 tuổi ở Sài Gòn có nguy cơ bị phá bỏ

Theo phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND – UBND TP HCM đang được lấy ý kiến người dân và chuyên gia, các tòa nhà phía sau đang là trụ sở Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông… (quay mặt ra đường Lý Tự Trọng) sẽ được xây mới cao hơn, kết nối với toà nhà UBND hiện hữu để trở thành trung tâm hành chính mới.

Như vậy, toà nhà số 59-61 Lý Tự Trọng (Sở Thông tin và Truyền thông) – công trình được được đánh giá có lịch sử lâu đời thứ hai của vùng đất Sài Gòn (chỉ sau căn nhà của Giám mục Bá Đa Lộc xây năm 1790 đang được bảo quan trong khuôn viên Tòa Tổng giám mục Sài Gòn) có nguy cơ bị đập bỏ, theo VnExpress.

Mặt chính của tòa nhà dinh Thượng thơ hiện là trụ sở của Sở Thông tin – Truyền thông và Công thương. (Ảnh: Hữu Nguyên)

Công trình do người Pháp xây vào những năm 1860, trước đây là Nha giám đốc Nội vụ (người dân gọi là Dinh Thượng thơ), có vai trò điều hành trực tiếp về các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Về mặt chính quyền lúc bấy giờ, toà nhà có vai trò quan trọng chỉ sau Dinh Norodom (phiên bản trước của Dinh Thống Nhất ngày nay).

Công trình được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm một dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa. Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.

Một phần tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng nhìn từ bên ngoài. (Ảnh: Hữu Nguyên)

Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình này đã gần 160 tuổi.

Toà nhà hồi đầu thế kỷ 20.

Bán thuốc giả có thể bị phạt tới án tử hình

Điều 6 Luật Dược 2016 nghiêm cấm các hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc giả, kém chất lượng. Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà hành vi buôn bán thuốc giả, kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo VnExpress.

Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại khoản 1, 2 điều 11 Nghị định 185/2013 ngày 13/11/2013, hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng có thể bị phạt tiền từ 500.000-50 triệu đồng tùy theo số lượng giá trị của hàng thật. Với hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức phạt này có thể gấp hai lần.

Người thực hiện hành vi này còn có thể bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 6-12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi buôn bán thuốc giả là buộc tiêu hủy tang vật, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Về xử lý trách nhiệm hình sự: Người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, quy định tại điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt thấp nhất là hai năm tù, cao nhất là tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với pháp nhân thương mại có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền 1-20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn 1-3 năm.

Trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền 100-300 triệu đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn 1-3 năm.

Du khách nước ngoài lao vào đám cháy cứu 2 em nhỏ ở Đà Nẵng

Vào khoảng 10h ngày 1/5 tại nhà nghỉ Bảo Hoàng, số 398 đường Kinh Dương Vương (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nghe người dân hô hoán trong nhà nghỉ đang cháy có trẻ em mắc kẹt, anh Valeria (quốc tịch Nga) và anh Jean Christophe (quốc tịch Pháp) chạy lên sân thượng nhà bên cạnh rồi trèo qua nhà nghỉ cứu nạn nhân.

Sau đó, anh Valeria phá cửa gương để thoát khói nên bị thương ở tay và ngạt khói bất tỉnh. Anh Jean Christophe cùng người dân đưa 2 em nhỏ ra ngoài an toàn.

Sau đó, anh Valeria được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Đến chiều 1/5, sức khỏe anh Valeria đã bình ổn.

Nguyên nhân vụ cháy được nhận định ban đầu là do chập điện thiết bị điều hòa. (Chi tiết)

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày tràn ngập niềm vui và làm việc hiệu quả!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version