Đại Kỷ Nguyên

Cam rớt giá, nhiều nhà vườn tại Nam Bộ ‘mất Tết’

hoa quả

Giá cam giảm mạnh dịp cận Tết tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Giá cam sành ở Đồng bằng Sông Cửu Long rớt giá mạnh khiến nhiều nông dân mất đi phần lớn lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ khi Tết đã cận kề.

Theo VOV, Đồng bằng Sông Cửu Long có trên 30.000 ha diện tích trồng cam sành, tập trung ở các tỉnh như Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Đồng Tháp. Sản lượng cam ước đạt 360.000 tấn/năm, chiếm 67% về sản lượng của cả nước.

Tại tỉnh Trà Vinh, cam sành loại I được thương lái mua tại vườn dao động từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, các loại còn lại từ 4.000-6.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm giáp Tết năm ngoái.

Cam sành giảm giá mạnh khiến nhiều nhà vườn mất ăn mất ngủ, thậm chí cảm thấy ám ảnh khi nhắc tới hai từ cam sành. Theo nhà vườn, chi phí cho mỗi hecta cam sành từ lúc trồng đến khi cho trái từ 500-700 triệu đồng. Chính vì vậy, với giá cam “èo uột” hiện nay, nhiều nông dân bị thua lỗ nặng, đặc biệt đối với vườn cam mới cho trái năm đầu tiên.

Tại tỉnh Hậu Giang, nhiều nhà vườn cũng rơi vào tình trạng điêu đứng vì giá cam sành liên tục giảm. Chia sẻ trên báo Thanh niên, ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, cho biết tháng 4/2017 giá cam sành bất ngờ tăng lên 24.000 đồng/kg khiến nhà vườn đổ xô tăng diện tích trồng, nhưng đến tháng 6 và tháng 7, giá cam giảm còn 17.000 đồng/kg và bước qua tháng 11 chỉ còn 5.000 đồng/kg.

Theo ông Tự, nguyên nhân giá rớt liên tục do mùa nước lũ lên (rằm tháng 9 đến rằm tháng 10 âm lịch) là mùa thuận đối với cam, do đó ai cũng cần bán dù giá chỉ 4.000-5.000 đồng/kg, nếu không bán thì cam sẽ chín rụng, bỏ không.

Không chỉ có riêng cam sành rớt giá thảm hại. Theo ghi nhận của Vietnamnet, dù đã bước vào thị trường mùa Tết, nhưng nhiều loại hoa quả lại giảm giá đồng loạt do người dân đua nhau trồng dẫn đến cung vượt cầu.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong tháng 12/2017, nhiều mặt hàng hoa quả “rủ nhau” giảm giá. Tại một số tỉnh Nam Bộ, nông dân trồng thanh long ruột đỏ rất lo lắng vì giá trái cây này loại I ở mức 35.000 đồng/kg, và loại II có giá 24.000-25.000 đồng/kg, giảm 6.000-7.000 đồng/kg so với tháng trước đó. Thanh long ruột trắng tại Bình Thuận trái vụ cũng giảm chỉ còn 6.000-8.000 đồng/kg.

Có thể thấy, câu chuyện cung vượt cầu dẫn đến giá nông sản giảm mạnh được nhắc đến khá nhiều trong năm 2017. Đặc biệt, vào nửa đầu năm 2017, có tới hơn 10 mặt hàng rau quả rớt giá thê thảm do cùng chung một nguyên nhân là dư thừa.

Nguyễn Trang

Exit mobile version