Đại Kỷ Nguyên

Cả nước có thêm 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ trong phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXV vào ngày 30/10. Theo đó, Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình, nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng… được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Các di sản văn hóa phi vật thể vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận thuộc 4 loại hình: Nghề thủ công truyền thống, Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống.

8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới bao gồm:

1. Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre): Bánh tráng Mỹ Lồng là đặc sản và niềm tự hào của người dân xứ dừa. Tên gọi Mỹ Lồng xuất phát từ vùng đất trước đây là một con chợ nhỏ mua bán các đặc sản địa phương, trong đó nổi tiếng nhất là món bánh tráng. Từ đó, mỗi lần nhắc tới bánh tráng, người ta nghĩ ngay đến chợ Mỹ Lồng.

Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc (Ảnh: Người lao động)

2. Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm, Bến Tre): Làng nghề đã tồn tại hơn 100 năm qua. Ban đầu, món bánh này chỉ xuất hiện vào các dịp lễ, tết truyền thống. Nhờ hương vị thơm ngon, bánh phồng Sơn Đốc đã trở thành món quà quê quen thuộc của nhiều du khách phương xa. Bánh phồng Sơn Đốc là sự hòa quyện từ mùi thơm của hương nếp, vị béo ngậy của dừa và ngọt ngào của đường mía.

3. Hò Đồng Tháp (Đồng Tháp): Đây là loại hò trên đồng nước, thể hiện tâm tư tình cảm của con người, nhất là vào các mùa trăng nước mênh mông. Lời hò Đồng Tháp đều xuất phát từ thơ lục bát, song thất lục bát hoặc từ ca dao tục ngữ; âm điệu đặc biệt được hò ở tốc độ chậm, buông lơi, nhịp điệu lúc nhặt, lúc khoan, lúc trầm, lúc bổng, có lúc thật thấp, khi lại cao chót vót.

4. Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình: Là nét đẹp văn hóa của ngư dân các làng chài ven biển tại các huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới ở Quảng Bình. Lễ hội diễn ra vào dịp tháng Giêng hàng năm, nhằm tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, làng xã ấm no, hạnh phúc…

Lễ cầu ngư của dân làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. (Ảnh: Dân trí)

5. Lễ Bỏ mả của người Raglai (xã Phước Chiến, Thuận Bắc, Ninh Thuận)

6. Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu (xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên): Theo phong tục của người dân tộc Sán Dìu, con trai khi đến tuổi thành niên thường được gia đình làm lễ Cấp sắc để đánh dấu sự trưởng thành và cũng bắt đầu đảm nhận việc thờ cúng tổ tiên…

7. Hát Pả Dung của người Dao (xã Phúc Chu, huyện Định Hóa; xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên): Là một hình thức nghệ thuật giải trí của người Dao, để bày tỏ tình cảm, ca ngợi tình yêu lứa đôi, trao đổi tâm tình, ôn lại quá trình lịch sử, củng cố tình đoàn kết…

8. Hát Soọng cô của người Sán Dìu (tại các huyện: Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc): Là làn điệu dân ca trữ tình, độc đáo của dân tộc Sán Dìu và được lưu truyền qua nhiều thế hệ theo lối truyền miệng. Soọng cô thường hát theo lối đối đáp, giao duyên, giữa nam và nữ.  

(Tổng hợp)

Exit mobile version