Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, với cách áp dụng thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở, 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã hưởng lợi 3.300 tỷ đồng trong năm 2015 và khoảng 1.400 tỷ đồng trong năm 2016.
Theo Thanh niên, Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra những bất ổn trong điều hành, sau khi tiến hành kiểm toán chuyên đề việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015-2016.
Theo đó, gây tranh cãi nhất trong năm vừa qua là việc áp dụng thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Đây là một giải pháp tình thế của Bộ Tài chính trong bối cảnh tồn tại song song các mức thuế khác nhau với cùng một mặt hàng xăng dầu từ khu vực ASEAN là 10% và từ các thị trường áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là 20%.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015 và 5 kỳ điều hành đầu tiên năm 2016, liên bộ Công thương – Tài chính đã áp dụng thuế MFN (thuế ưu đãi nhập khẩu) trong điều hành là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo ra một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. Theo tính toán, nhờ chênh lệch này, 10 doanh nghiệp đầu mối được kiểm toán đã “bỏ túi” hơn 3.300 tỷ đồng.
Năm 2016, từ kỳ điều hành 21/3, giá cơ sở được áp dụng thuế bình quân gia quyền, tuy có hợp lý hơn, nhưng chỉ mang tính tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề, vì vẫn phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế. Bởi vậy, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán vẫn hưởng lợi hơn 1.400 tỷ đồng trong năm 2016.
Cụ thể, doanh nghiệp hưởng thuế ATIGA sẽ được lợi từ 5-25% đối với dầu DO năm 2015; 0,6-10% đối với dầu DO năm 2016, cao hơn 5,74-10% đối với xăng. Đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn so với giá cơ sở do liên bộ điều hành, khiến doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận khoảng 4.800 tỷ đồng, trong đó thặng dư cao nhất tại Petrolimex với khoảng gần 3.000 tỷ đồng.
Theo Đầu tư, năm 2015, tổng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt tới 3.766 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với con số 321 tỷ đồng trong năm 2014. Trong tổng mức lợi nhuận trên, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn tập đoàn là 1.989 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh, đại diện Petrolimex cũng cho biết khá ngắn gọn là do “phương thức tính giá mua xăng dầu nhập khẩu đã phù hợp hơn với diễn biến thị trường”.
Năm 2016, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex tiếp tục tăng cao, đạt 6.300 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế của hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn Petrolimex là 3.848 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận liên bộ Tài chính – Công thương xác định chưa chính xác về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tại 4 kỳ điều hành (trong tháng 7 và 8/2016) đạt hơn 216 tỷ đồng. Với việc tỷ giá tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng được cơ quan điều hành xác định chưa chính xác cũng dẫn đến tính thiếu 214 tỷ đồng qua 17 kỳ điều hành tại 10 doanh nghiệp đầu mối.
Kiểm toán Nhà nước đã đề xuất các đơn vị đầu mối được kiểm toán nộp vào ngân sách nhà nước số thuế và các khoản phải nộp tăng thêm là 252 tỷ đồng, cùng với điều chỉnh sổ sách kế toán theo kết quả kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi Nghị định 83/2014 theo hướng điều chỉnh lại quy định về dự trữ xăng dầu bắt buộc, chỉ đạo tổ liên ngành điều hành quỹ bình ổn giá phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả của việc trích lập, chi quỹ, nghiên cứu quy định áp dụng quy mô quỹ ở mức nhất định, không kéo dài thời gian chi quỹ và mức chi ở mức cao dẫn đến giá thoát ly giá thị trường.
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại chính sách thuế gây ra mối bùng nhùng chênh lệch giữa điều hành và thực tế, xây dựng giá cơ sở để quản lý giá bán lẻ đối với RON 95 sau khi loại xăng này gây xôn xao dư luận vì âm thầm tăng sốc trong thời gian qua.
Nguyễn Trang