Đại Kỷ Nguyên

Bữa cơm 8 triệu trên vịnh Hạ Long: Thói quen chặt chém hay văn hóa lệch lạc?

Một đoàn du khách gồm 9 người từ Đồng Nai đi thăm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) tố bị chủ tàu du lịch lừa đảo bữa ăn trưa đắt đỏ, thậm chí còn vòi tiền boa khi khách đang ăn.

Ngày 14/11, anh Nguyễn Đình Tuyên (Đồng Nai) cho biết trên báo Thanh Niên, ngày 11/11, đoàn của anh gồm 9 người đi tham quan vịnh Hạ Long trên tàu du lịch Hồng Long, trọn gói với giá 2,6 triệu đồng. Bữa trưa hôm đó, đoàn gọi món theo thực đơn gồm cá song, mực ống, thủy sâm, cơm rau. Lúc tàu gần về đến bờ, họ phải thanh toán cho bữa ăn với giá hơn 8 triệu đồng.

Hơn nữa, theo anh Tuyên, đoàn của anh uống chưa hết 1 thùng bia Hà Nội nhưng chủ tàu ghi trong hóa đơn là 31 lon bia với giá 930.000 đồng. Mọi người còn phát hiện nhà hàng Hồng Long trắng trợn thay cá song bằng cá sủ, thủy sâm bằng con thưng biển. Họ phải thanh toán cho bữa ăn trên 6,4 triệu đồng.

Đoàn du khách này còn phải trả thêm tiền công chế biến, đồ tráng miệng, 6 lon bia hấp hải sản với giá hơn 1,8 triệu đồng. Do đó, tổng số tiền đoàn du khách phải thanh toán cho bữa cơm trưa trên hơn 8 triệu đồng.

Anh Tuyên còn “tố” rằng, nhà tàu Hồng Long pha loại cà phê hòa tan Trung Nguyên G7 nhưng hét giá tận 20.000 đồng/ly. Không những vậy, nhà tàu này còn gợi ý đòi tiền boa nên họ phải cho thêm 400.000 đồng.

Khi về đến cảng tàu du lịch Tuần Châu, anh Tuyên thông tin vụ việc đến Ban quản lý vịnh Hạ Long. Đại diện UBND TP. Hạ Long cho biết, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu chủ tàu và 4 nhân viên tàu Hồng Long lên giải trình xem mức độ sai phạm và sẽ có biện pháp, hình thức xử lý.

Hóa đơn thanh toán bữa ăn trưa của du khách trên tàu du lịch Hồng Long (Ảnh du khách cung cấp).

Anh Tuyên thông tin thêm, một người tên Nguyễn Hồng Việt, xưng là chủ tàu, liên tục gọi điện xin được bỏ qua sự việc và hoàn trả lại đoàn một số tiền.

Đội tàu Hồng Long đã nhiều lần vi phạm các quy định của UBND TP. Hạ Long như: “chặt chém” du khách; đưa khách vào nhà bè kinh doanh hải sản trái phép trên vịnh; để phương tiện khác bám buộc vào phương tiện của mình bán hàng hóa…

Vấn nạn chặt chém xuất phát từ sự thiếu ý thức và hiểu biết về kinh doanh cũng như đạo đức của những người bán hàng. Trong khi khách đến du lịch là để được thưởng thức, được thư giãn nhưng với nạn chặt chém này du khách sẽ phải luôn cảnh giác và tìm cách ứng phó, dẫn đến sự mất niềm tin vào người dân vùng du lịch. Từ đó, Hạ Long sẽ không những mất đi hình ảnh một khu du lịch thân thiện và văn minh mà còn ngày một vắng du khách.

Nhìn rộng hơn nếu như đây là một nét xấu trong văn hóa của người Việt thì ngành Du lịch đang phải đối mặt với cả một nét xấu của cả một nền văn hóa chứ không phải là một vài nghìn người. Nếu thói xấu này không được thanh tẩy một cách đồng bộ thì dù có làm bao nhiêu chiến dịch đi chăng nữa rồi cũng chỉ như “nước chảy lá khoai”.

Hoàng Minh

Exit mobile version