Đại Kỷ Nguyên

Bộ GD&ĐT lên tiếng về vụ hàng nghìn trẻ Bắc Ninh ồ ạt đi xét nghiệm sán

Phụ huynh, học sinh đứng ngồi trước khu phòng khám Viện Sốt rét - Ký sinh trùng. (Ảnh: Dương Tâm).

Trong ngày 16/3, hàng nghìn phụ huynh khắp huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) ồ ạt đưa con lên Hà Nội kiểm tra sán lợn, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT Bắc Ninh kiểm tra, xác định trách nhiệm của nhà trường và báo cáo sự việc.

TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã yêu cầu Sở GD&ĐT Bắc Ninh kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong trường học. Yêu cầu địa phương sớm báo cáo việc thực phẩm không đảm bảo chất lượng xuất hiện tại Trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), theo báo Tiền Phong.

Ông Anh thông tin, Bộ sẽ có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về viêc tăng cường thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với bếp ăn bán trú, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm, phòng chống dịch bệnh…

Theo đó, vào chiều 16/3, hành lang Phòng khám chuyên khoa của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương (34 Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không còn lối đi. Người lớn đứng chật kín nơi tiếp nhận bệnh nhân đến khám và khu nhận kết quả, theo VnExpress.

Bên ngoài, dưới tấm bạt được căng tạm, cả chục người ngồi ăn chiếc bánh, uống tạm hộp sữa. Họ đều là phụ huynh, học sinh mầm non và tiểu học ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), nơi có hơn 50 trẻ bị phát hiện nhiễm sán lợn.

Các phụ huynh ngồi đợi lấy kết quả ở Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương chiều 16/3. (Ảnh: Dương Tâm).

Nhiều phụ huynh cho hay, họ đọc báo thấy hơn 50 trẻ ở Thuận Thành dương tính với sán lợn vào tối hôm trước nên họ không thể ngồi yên, dù con không học ở trường Mầm non Thanh Khương – nơi bị phát hiện thịt lợn nổi hạch, dấu hiệu nhiễm sán lợn và thịt gà hôi thối trong bếp ăn bán trú.

Như đã đưa tin, sự việc phụ huynh Trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) phát hiện nhà trường cho trẻ ăn thịt lợn có những hạt li ti màu trắng như sán gạo được phát hiện từ tháng 2/2019.

Đầu tháng 3, phụ huynh trường này tiếp tục phát hiện bếp dùng thịt gà “nát như cám”, dùng tay bóp vụn dễ dàng hay cả thau xương gà có cùng ni lông vẫn đem nấu cháo cho trẻ đã khiến dư luận rất hoang mang.

Sau khi đề nghị hiệu trưởng nhà trường giải thích không thoả đáng, phụ huynh trường này đã báo công an, niêm phong số thực phẩm còn lại, mang đi kiểm nghiệm. Phụ huynh cũng đã yêu cầu nhà trường, đơn vị cung ứng thực phẩm đưa trẻ đi kiểm tra sức khoẻ nhưng chưa được đáp ứng.

Lo lắng cho sức khoẻ của trẻ, trong 2 ngày 15-16/3, cả nghìn phụ huynh đã tự đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ cho con.

Trên các diễn đàn mạng, các hội phụ cha mẹ học sinh chia sẻ câu chuyện đau lòng ở Thuận Thành (Bắc Ninh) và đặt ra câu hỏi, liệu mình có phải đưa con đi kiểm tra sức khoẻ. Bởi, đa số phụ huynh bận rộn, hàng ngày đưa con đến trường rồi lao vút đi làm. Cánh cổng trường khép lại, bữa ăn của trẻ thế nào không ai dám chắc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Sở Giáo dục Bắc Ninh kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, sớm báo cáo việc thực phẩm không đảm bảo chất lượng xuất hiện trong trường Mầm non Thanh Khương và hàng chục học sinh có kết luận dương tính với sán lợn.

Chính quyền địa phương vẫn đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và chờ kết quả kiểm nghiệm số thịt được cho là không đảm bảo an toàn vệ sinh xuất hiện trong bếp ăn trường.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải lợn phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả vùng miền, tỉnh thành. Sán lợn lây lan do thực phẩm nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước. Con người ăn rau không rửa sạch, thực phẩm không nấu chín… dẫn đến nhiễm giun sán.

Bệnh ấu trùng sán lợn xảy ra ở người ăn phải trứng sán lợn nhiễm trong thức ăn. Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt rồi sẽ hóa nang.

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt, nó có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Theo phác đồ điều trị hiện nay, cần một ngày để tiêu diệt sán trưởng thành và hai tuần diệt hết trứng sán.

Thanh Thanh (tổng hợp)

Exit mobile version