Một lượng vốn nước ngoài lớn đang đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam và sức nóng trên thị trường những ngày này gần như quá sức chịu đựng. Nhưng không chỉ có vậy, Việt Nam đang còn nhiều thứ rất thú vị khác.
“Đang có rất nhiều thứ để thích về Việt Nam”, đó là đánh giá của phóng viên Shuli Ren tại Hồng Kông của hãng tin Bloomberg trong một bài bình luận về tình hình kinh tế và chứng khoán Việt Nam đăng tải ngày 9/4.
Mở đầu bài viết, phóng viên này đề cập đến sức nóng tại TP.HCM những ngày này, nhưng không phải nhiệt độ ngoài trời, mà là trên thị trường cổ phiếu.
Sau khi tăng 52% trong năm 2017, Việt Nam lại tiếp tục hướng đến năm thứ hai liên tiếp trở thành “quán quân” của châu Á khi chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng 22% kể từ đầu năm nay.
Tính từ tháng 1 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót hơn 440 triệu USD vào thị trường cổ phiếu Việt Nam, sau con số kỷ lục 1 tỷ USD trong năm 2017.
Về vĩ mô, kinh tế Việt Nam trong quý I đạt mức tăng trưởng 7,4% – cao nhất trong vòng 1 thập kỷ.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bận đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nên không có thời gian phiền lòng với Việt Nam – một thị trường xếp ở hạng cận biên, dù chính phủ đang đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 2 con số trong năm 2018.
Trở lại với câu chuyện chứng khoán, phóng viên Shuli Ren cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang thích mua lượng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam như bia rượu, dầu khí và tài chính. Trong khi đó, chính phủ đang cần tiền để trang trải cho các khoản nợ công.
Năm ngoái, nhà nước đã thu về khoảng 4,8 tỷ USD qua vụ bán cổ phần tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Năm nay, chính phủ dự định sẽ bán lượng cổ phần cao gấp 6,5 lần so với năm 2017.
Làn sóng đầu cơ đang nổi lên và nhiều nhà đầu tư đang tìm cách mua vào cổ phiếu trước khi các quỹ đầu tư theo chỉ số nhảy vào thị trường.
Dù là thị trường cận biên, nhưng giờ đây độ thanh khoản của chứng khoán Việt Nam đã vượt trên Philippines – một thị trường được phân loại là mới nổi. Giới đầu tư đang dự đoán Việt Nam đã sẵn sàng để được gia nhập nhóm các thị trường mới nổi (MSCI EM).
Ngay cả khi điều đó không xảy ra, Việt Nam vẫn có thể thu hút thêm nhiều dòng vốn quốc tế nếu một số thị trường cận biên khác do Việt Nam hiện đang là quốc gia lớn thứ 3 trong nhóm các thị trường cận biên, sau Argentina và Kuwait.
Tuy nhiên, đây có thể lại là một cuộc chơi nguy hiểm đối với các nhà đầu tư do cổ phiếu Việt Nam đang được định giá ở mức cao. Các cổ phiếu (15 mã) trên MSCI Vietnam Index đều đã rất đắt khi giao dịch với P/E Forward ở mức 30,5 lần, còn chỉ số VN Index có mức hợp lý hơn với P/E ở mức 21 lần.
Thị trường Việt Nam cũng đang trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện kinh tế vĩ mô, đặc biệt là có mức độ liên đới lớn hơn với thị trường Mỹ. Nói cách khác, nếu Mỹ bị cảm lạnh, Việt Nam cũng bắt đầu hắt hơi.
Với sức nóng trên thị trường cổ phiếu Việt Nam hiện nay, nhà đầu tư rất dễ tìm ra lý do để bán một khi có những sự cố như GDP tăng trưởng không như kỳ vọng hay lạm phát tăng lên.
Minh Tuệ