Đại Kỷ Nguyên

Bị ép tăng ca với chế độ thấp, hơn 3.000 công nhân công ty may đình công

Hàng nghìn công nhân may mặc của Công ty TNHH Ivory Việt ngừng sản xuất đòi quyền lợi, trước sức ép các loại chi phí tăng cao trong khi trợ cấp, thu nhập không được cải thiện. (Ảnh: giadinh.net.vn)

Thường xuyên bị ép tăng ca nhưng nhiều chế độ phụ cấp lại thấp khiến 3.000 công nhân công ty may tại Thanh Hóa đã đình công đòi quyền lợi.

Ngày 23/10, khoảng 3.000 công nhân Công ty TNHH Ivory Việt Nam, có địa chỉ ở thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã ngừng việc tập thể yêu cầu tăng lương và tăng các phụ cấp khác, theo Dân Trí.

Khoảng 3.000 công nhân Công ty TNHH Ivory Việt Nam đình công từ ngày 18/10. (Ảnh: Quỳnh An)

Theo phản ánh của công nhân, thời gian gần đây công ty thường xuyên ép người lao động tăng ca nhưng chế độ phụ cấp như: Tiền xăng xe, tiền ăn trưa, tiền thưởng, công nhân nhận được rất thấp không đủ chi phí sinh hoạt.

Nhiều công nhân nữ có con nhỏ nhưng vẫn phải tăng ca từ sáng đến 21h mới về tới nhà. Tiền lương cơ bản của công nhân làm từ 3 – 4 năm cũng bằng lương các công nhân mới xin vào làm.

Liên quan đến sự việc trên, ông Trình Ngọc Quang, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hậu Lộc, cho biết hàng nghìn công nhân của Công ty TNHH Ivory Việt Nam nghỉ việc tập thể từ ngày 18/10, tính đến ngày 23/10 là 4 ngày. Sau khi sự việc xảy ra, đơn vị này đã cử cán bộ xuống để phối hợp giải quyết vụ việc, theo báo Zing.

Ông Quang cũng cho hay, sau khi tổng hợp tất cả những kiến nghị của công nhân, đơn vị đã làm việc với phía lãnh đạo công ty. Trước mắt, công ty đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng của công nhân như tăng tiền ăn, không ép sản lượng, tăng tiền đánh giá xếp bậc cho công nhân.

Đến chiều ngày 23/10, công nhân vẫn chưa đi làm trở lại. (Ảnh: Dân trí)

Tuy nhiên, tính đến chiều ngày 23/10, rất nhiều công nhân vẫn tập trung trước cổng công ty.

Hiện, công an huyện Hậu Lộc cũng đã cử lực lượng đến để ổn định tình hình và đảm bảo trật tự và an toàn giao thông.

Công ty TNHH Ivory Việt Nam đóng trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc. Công ty này đi vào hoạt động từ tháng 4/2011, ngành nghề chính là may trang phục, hiện có hơn 3.000 công nhân đang làm việc.

Thanh Thanh (tổng hợp)

Exit mobile version